Chuyển tới nội dung

Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn mới: Dành hơn 200 nghìn ha đất làm khu công nghiệp

Theo Dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng sẽ dành khoảng 205,80 nghìn ha đất làm khu công nghiệp, tăng 115,00 nghìn ha so với năm 2020.

Năm 2020, cả nước có 549 khu công nghiệp với diện tích đất khu công nghiệp thực tế đã đưa vào sử dụng là 90,80 nghìn ha, chiếm 2,31% diện tích đất phi nông nghiệp của cả nước, tăng 18,80 nghìn ha so với năm 2010.

dat-cong-nghiep-kcn-hiep-phuoc_1

Đến năm 2030, sẽ dành khoảng 205,80 nghìn ha làm khu công nghiệp, trong đó khoảng 60% là đất trực tiếp sản xuất, còn 40% diện tích là xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp

Theo Dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đến năm 2030, sẽ dành khoảng 205,80 nghìn ha làm khu công nghiệp, (trong đó có khoảng 60% là đất trực tiếp sản xuất công nghiệp, còn 40% diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp gồm: giao thông, điện, nước, khu xử lý chất thải, cây xanh,…), tăng 115,00 nghìn ha so với năm 2020 (kể cả diện tích 95 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển và các khu kinh tế cửa khẩu).

Đất khu công nghiệp được quy hoạch đến năm 2030 phân bổ theo các vùng như sau: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc 15,17 nghìn ha (58 khu công nghiệp), tăng 9,97 nghìn ha so với năm 2020, chiếm 7,37% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước; Vùng Đồng bằng sông Hồng 52,21 nghìn ha (142 khu công nghiệp), tăng 32,26 nghìn ha so với năm 2020, chiếm 25,37% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước;

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 47,93 nghìn ha (111 khu công nghiệp), tăng 30,83 nghìn ha so với năm 2020, chiếm 23,29% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước; Vùng Tây Nguyên 3,73 nghìn ha (17 khu công nghiệp), tăng 2,18 nghìn ha so với năm 2020, chiếm 1,81% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước.

Vùng Đông Nam Bộ 59,01 nghìn ha (127 khu công nghiệp), tăng 24,77 nghìn ha so với năm 2020, chiếm 28,67% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long diện tích 27,74 nghìn ha (103 khu công nghiệp), tăng 14,98 nghìn ha so với năm 2020, chiếm 13,48% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước.

nh chụp Màn hình 2021-08-27 lúc 10-34-35 CH

Xu hướng biến động nhóm đất phi nông nghiệp theo vùng thời kỳ 2011 – 2020 (Nguồn: Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ TNMT)

Theo Dự thảo, việc hình thành các khu công nghiệp trên các địa bàn lãnh thổ phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chí như: Phát triển về số lượng và quy mô khu công nghiệp phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành; không dàn đều theo địa giới hành chính. Thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; chuyển dịch cơ cấu dự án trong khu công nghiệp thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường.

Giảm diện tích hoặc đưa ra khỏi quy hoạch những khu công nghiệp không triển khai, không còn phù hợp với yêu cầu phát triển; hạn chế bổ sung quy hoạch khu công nghiệp trên đất trồng lúa 2 vụ, đất rừng sản xuất, đất tập trung dân cư và chưa có trong quy hoạch sử dụng đất. Xây dựng quy hoạch khu công nghiệp phải gắn đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ, phân bố dân cư và nhà ở trong một phương án tổng thể, thống nhất, làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên cơ sở lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện.

Có quỹ đất dự trữ để phát triển và có điều kiện liên kết thành cụm các khu công nghiệp. Có khả năng thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Tại một số địa bàn nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, việc phát triển khu công nghiệp cần được xem xét chặt chẽ, đặt vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia lên hàng đầu.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng nhấn mạnh, việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quản lý thống nhất, tập trung.

“Bộ sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá một cách toàn diện thực trạng sử dụng đất và môi trường trong các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch đảm bảo tính liên vùng, liên tỉnh trong cả nước và phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ. Không để dự án treo, quy hoạch treo, bỏ trống đất đai gây lãng phí tài nguyên; không phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất khi chưa đảm bảo tỷ lệ lấp đầy theo quy định” – ông Thọ khẳng định.

Phương Uyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved