Đây là mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 quay trở lại, ảnh hưởng nhiều mặt tới kinh tế – xã hội Việt Nam.

gdp2

Mức tăng trưởng GDP quý I cao hơn cùng kỳ là nhờ Việt Nam vẫn khơi thông được dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Tăng trưởng cao hơn dự báo

Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, quý I/2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020.

“Với kết quả tăng trưởng quý I cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Mức tăng trưởng 4,48% tuy thấp hơn kịch bản tăng trưởng được đưa ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ, song cao hơn so với dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát ở một số địa phương trong cả nước.

Khi đó, báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong trường hợp Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP.

Quả thật, dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế kịp thời trong quý I/2021 và diễn biến của nền kinh tế cũng đúng như dự báo.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%, đóng góp 55,96%; khu vực dịch vụ tăng 3,34%, đóng góp 35,70%.

Tổng cục Thống kê chỉ rõ, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý I/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa, sản lượng cây lâu năm đạt khá, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng khá, đồng thời thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,19%, chỉ thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011-2021, làm tăng 0,29 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,78% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,9%, cao hơn mức tăng 2,79% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I/2021 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,1% của quý I/2020 nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,45% của quý I/2018 và 9% của quý I/2019, đóng góp 2,2 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm.

Ngành khai khoáng tăng trưởng âm 8,24%, làm giảm 0,36 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 11% và khí đốt tự nhiên giảm 16,1%. Ngành xây dựng tăng 5,17%, cao hơn mức tăng 4,37% của quý I/2020, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ trong quý I/2021 tăng trưởng tích cực khi dịch COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ, doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết

Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I như sau: bán buôn và bán lẻ tăng 6,45% so với cùng kỳ năm trước, là ngành dịch vụ có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,67 điểm phần trăm); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,35%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi giảm 2,17%, làm giảm 0,15 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 4,49%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm.

Khởi sắc nhờ FDI

Theo TS Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng GDP quý I cao hơn cùng kỳ là nhờ Việt Nam vẫn khơi thông được dòng vốn đầu tư nước ngoài.

gdp

Trên góc độ sử dụng GDP quý I/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,59% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,01%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,38%.

Theo đó, năm 2020, Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng vốn FDI trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, mọi thứ đã xoay chuyển theo chiều hướng thuận hơn, khi Việt Nam chống dịch bệnh hiệu quả.

Kết quả là, tính đến ngày 20/3/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5%; vốn thực hiện đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5%. Trong đó, vốn cấp mới tăng 30,6%, vốn điều chỉnh tăng 97,4% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư nước ngoài đóng góp rất quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta. Doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (động lực của tăng trưởng kinh tế) chiếm tỷ trọng cao nhất, hiện thu hút gần 230 tỷ USD, chiếm 58,5% tổng vốn đầu tư. Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chiếm thế áp đảo trong hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta.

“Trong 3 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp FDI nói chung, FDI trong khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng tiếp tục phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh sau tác động của Covid-19, nên đã xuất siêu gần 8,8 tỷ USD, kể cả dầu thô, bù đắp phần nhập siêu gần 6,7 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu khoảng 2,1 tỷ USD trong quý I năm nay. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu quý I năm nay sáng sủa hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2020”, ông Phạm Đình Thuý nhấn mạnh.

Trên góc độ sử dụng GDP quý I/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,59% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy tài sản tăng 4,08%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,01%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,38%.

Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12/2020. CPI bình quân quý 1/2021 tăng 0,29%, và là mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua.

Bên cạnh đó, trong tháng 3/2021, lạm phát cơ bản giảm 0,12% so với tháng trước và tăng 0,73% so với cùng kỳ năm 2020. Lạm phát cơ bản bình quân quý 1/2021 tăng 0,67% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái.

Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 3/2021 giảm 2,97% so với tháng trước; giảm 0,63% so với tháng 12/2020 và tăng 16,84% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2021 tăng 0,23% so với tháng trước; giảm 0,11% so với tháng 12/2020 và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước.