Hinh-1b

Trong những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. 

Đó là chia sẻ của các chuyên gia có mặt tại Diễn đàn Kinh doanh quốc tế Đại học RMIT năm 2021 vừa được diễn ra.

Trong những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Từ trước đại dịch và xuyên suốt giai đoạn khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp cà phê Việt đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng, khai thác tiềm năng của cà phê đặc sản, đồng thời đẩy mạnh các kênh tiếp thị và phân phối trực tuyến.

Theo Tiến sĩ Abel Alonso, giảng viên cấp cao ngành Kinh doanh quốc tế Đại học RMIT, “ứng phó với khủng hoảng hiện nay bằng các nỗ lực và hoạt động gia tăng giá trị là nhiệm vụ quan trọng đối với ngành cà phê. Bên cạnh văn hóa cà phê, nhiều hoạt động du lịch và nghỉ dưỡng tại Việt Nam sẽ dần lấy cà phê làm sản phẩm trung tâm, đặc biệt vào giai đoạn hậu COVID. Các bên liên quan đến ngành này cần hiểu rằng giai đoạn phát triển sắp tới họ nên tập trung hơn vào gia tăng giá trị và nâng cao hiểu biết về cà phê đặc sản Việt Nam, tương tự như bài học thành công từ các nước khác chẳng hạn như Peru”.

SBM PHOTOS

Diễn đàn Kinh doanh quốc tế năm 2021 do Đại học RMIT tổ chức có sự tham dự của đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp trong ngành, trong đó có  Les Vergers du Mekong, Cộng Cà Phê, Là Việt Coffee, Lofita Coffee & Tea…

Từ một số nghiên cứu được thực hiện gần đây liên quan đến ngành cà phê Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thị Kim Oanh, giảng viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn Đại học RMIT nhấn mạnh những nỗ lực của các bên liên quan trong ngành cà phê Việt Nam trong hành trình đưa cà phê Việt ra thế giới.

“Nhiều bên liên quan trong ngành đã có những động thái cụ thể để góp sức đưa cà phê Việt ra thế giới như sự phối hợp xây dựng nên mô hình trải nghiệm “con đường cà phê”, “từ trang trại đến ly cà phê”, hay “từ hạt giống đến ly cà phê” cho khách du lịch giữa các công ty tour, khách sạn và các cơ sở kinh doanh cà phê”, Tiến sĩ Oanh chia sẻ.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Les Vergers du Mekong, doanh nghiệp nổi tiếng với thương hiệu cà phê Folliet, Tổng giám đốc Lê Văn Đông cho biết am hiểu thị trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và ứng dụng công nghệ là những yếu tố thành công bền vững của doanh nghiệp suốt hai thập kỷ qua.

“Chúng tôi quản lý chặt chẽ chuỗi cung ứng. Lấy ví dụ, chúng tôi đã thiết kế app truy xuất nguồn gốc và thường xuyên tập huấn và hỗ trợ nông dân để đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi cũng sử dụng bao bì thân thiện môi trường và thí điểm trồng trọt hữu cơ. Những việc này tạo lợi thế cạnh tranh và giúp chúng tôi có sản lượng tiêu thụ cao”, ông Đông chia sẻ.

Ông Trần Nhật Quang, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Công ty Cà phê Là Việt tại Đà Lạt, thì nhấn mạnh tiềm năng của “xuất khẩu tại chỗ”. Khi xây dựng nhà máy tại Đà Lạt, Là Việt đã kết hợp khu sản xuất và quán cà phê trong một không gian để du khách khi đến uống cà phê được trải nghiệm tham quan quy trình sản xuất và sản phẩm cùng lúc.

“Chúng tôi có tour tham quan nhà máy và trải nghiệm rang/pha sản phẩm kéo dài hai tiếng, và tour cà phê chuyên đề kéo dài một ngày tập trung vào trải nghiệm chuyên sâu đối với khách du lịch quốc tế quan tâm đến nông nghiệp địa phương. Mô hình du lịch này đã rất thành công trong giai đoạn trước COVID-19 và chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác trong tương lai khi du lịch mở cửa lại”, ông Quang nói.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, ngành cà phê đã và sẽ tiếp tục là một ngành quan trọng trên bản đồ kinh doanh quốc tế của Việt Nam.

“Việt Nam đang hướng tới một nền nông nghiệp thông minh, hữu cơ, tập trung vào giá trị giá tăng, và ngành hàng cà phê cũng nằm trong xu hướng này. Việt Nam có thể nâng dần giá trị của cà phê thông qua đổi mới, đưa khoa học công nghệ vào sáng tạo những mặt hàng mới và thu hút các nhà đầu tư có uy tín”, ông cho biết.

Linh Nga