Trong mỗi trái tim người dân Việt Nam, ngày Quốc khánh 2/9 luôn để lại những cảm xúc thiêng liêng, niềm kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc. Đây cũng là dịp để mỗi người dân Việt Nam tưởng nhớ đến những anh hùng đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và Chủ tịch Hồ Chí Minh – người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
“Có nơi nào như đất nước chúng ta
Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ
Khi giặc đến vạn người con quyết tử
Cho một lần Tổ quốc được sinh ra”
Đất nước sinh ra từ lời ru của mẹ, từ những câu ca dao, cổ tích. Đất nước sinh ra khi những người con lên đường đánh giặc, khi người Việt ngã xuống để đổi lấy tự do. Và đất nước một lần nữa được sinh ra khi những thế hệ tương lai được bình yên, hạnh phúc.
Ngày 2/9/1945 không chỉ là ngày “khai sinh” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà còn là ngày nền độc lập của đất nước một lần nữa được khẳng định. Tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, ngay trước nơi từng là Dinh toàn quyền Pháp ở Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tuyên ngôn Độc lập trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập”.
Bản Tuyên ngôn kết thúc bằng lời thề: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Suốt 76 năm qua, “lời thề độc lập” vẫn luôn là một lời thề từ trái tim, lời thề với Tổ quốc, dẫn dắt các thế hệ người Việt bảo vệ thành quả Cách mạng.
Giờ đây, đất nước có thêm nhiều sức mạnh để củng cố và phát triển, Việt Nam không chỉ có tên trên bản đồ mà còn có vị thế và uy tín lớn trên trường quốc tế. Không chỉ có chủ quyền thống nhất từ đất liền đến biển đảo khơi xa mà còn có quan hệ ngoại giao và kinh tế với 189 nước thành viên của Liên hợp quốc. Việt Nam đã thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Nhân kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2021), sáng ngày 1/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Lễ kỷ niệm theo hình thức trực tuyến tại Trụ sở Chính phủ và 194 điểm cầu trên thế giới.
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Vững bước trên con đường Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đã chọn, trong suốt 76 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam không ngừng đấu tranh bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết của dân tộc và quyền tự do, hạnh phúc của Nhân dân với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Việt Nam luôn tích cực ủng hộ và phấn đấu, có trách nhiệm cho hòa bình, quan hệ bình đẳng và sự phồn vinh ở khu vực và trên thế giới theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải gắn liền độc lập dân tộc với đoàn kết quốc tế; lấy tinh thần thiện chí, hòa bình để giải quyết những bất đồng, trên cơ sở gắn lợi ích dân tộc với lợi ích các nước trong khu vực và lợi ích chung của nhân loại tiến bộ”.
Phóng viên đưa tin, theo Thủ tướng, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên toàn cầu hóa với những biến đổi nhanh chóng, khó lường. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát trong gần hai năm qua gây ra những thiệt hại nặng nề đối với các quốc gia trên nhiều lĩnh vực, nhất là sức khỏe, tính mạng và sinh kế của người dân, làm suy thoái kinh tế toàn cầu; gia tăng thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng, thiếu an ninh, an toàn cho người dân… Bên cạnh đó là những nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống như xung đột tại nhiều khu vực, khủng bố, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, già hóa dân số… Chúng ta đang đứng trước những cơ hội không nhỏ, nhưng đi liền là những thách thức đan xen và ngày càng phức tạp, khó lường.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và với ý chí, tinh thần quật cường của cả dân tộc, Việt Nam đã và đang chung sức, đồng lòng nỗ lực thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm là phòng, chống dịch hiệu quả và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho Nhân dân.
“Phòng, chống dịch được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong lúc này, với tinh thần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết, trong đó có người nước ngoài đang làm việc, học tập và sinh sống tại Việt Nam. Chúng tôi quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh bằng tất cả các biện pháp, đặc biệt là phải nhanh chóng có đủ vaccine và tiêm chủng nhanh nhất, nhiều nhất, sớm nhất, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả, miễn phí cho toàn dân. Việt Nam cũng luôn đồng hành, chia sẻ và quan tâm tháo gỡ những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài, không để đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với những khó khăn, mất mát mà Chính phủ và nhân dân các nước đang gặp phải do đại dịch COVID-19 gây ra. Việt Nam hết sức trân trọng cảm ơn các quốc gia, bạn bè, tổ chức quốc tế đã hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho Việt Nam, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh thời gian qua; trong đó phải kể đến khối lượng lớn vaccine, thuốc và trang thiết bị y tế mà Việt Nam đã nhận được. Đồng thời, Việt Nam cảm ơn các nước, các tổ chức quốc tế đã quan tâm, tạo những điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc trên khắp thế giới được an toàn, mạnh khỏe. Việt Nam bày tỏ sự biết ơn và đánh giá cao những nghĩa cử vô cùng cao đẹp này, thể hiện sự cảm thông, chia sẻ giúp đỡ nhau trong khó khăn, là minh chứng cho tình hữu nghị sâu sắc, sự đoàn kết bền vững giữa Việt Nam và bè bạn khắp năm châu.
“Đại dịch sẽ còn kéo dài, diễn biến phức tạp và khó lường. Điều quan trọng nhất là chúng ta đã hợp tác chặt chẽ rồi phải tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa! đã gắn bó rồi phải gắn bó hơn nữa! đã đoàn kết rồi phải đoàn kết hơn nữa! cùng chung tay, góp sức đẩy lùi đại dịch. Nỗ lực của mỗi quốc gia là yếu tố then chốt, quyết định, nhưng hợp tác quốc tế là quan trọng và đột phá”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam bày tỏ tin tưởng và trân trọng đề nghị các quốc gia và tổ chức quốc tế trong thời gian tới tiếp tục quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác quốc tế, chia sẻ chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm, tài chính, vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc điều trị, và đặc biệt là sự hỗ trợ về vaccine trên tinh thần tiếp cận vaccine bình đẳng, giúp đỡ Việt Nam về vaccine một cách nhanh nhất, nhiều nhất và sớm nhất có thể vì với Việt Nam, “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”. Đồng thời, mong muốn các quốc gia và tổ chức quốc tế tạo điều kiện cho đầu tư, thương mại quốc tế, hợp tác về giao thông, vận chuyển con người và hàng hóa giữa các nước, không để bị đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Theo phóng viên, trước đó trong Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19 ngày 29/7 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có viết: “Cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta”.
“Cuộc chiến” với COVID-19 còn nhiều vất vả, gian nan, khốc liệt nhưng bằng kinh nghiệm thực tiễn luôn lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, dựa vào sức mạnh vô địch của nhân dân thì chắc chắn Việt Nam sẽ thành công.
Linh Chi