Ngày 23/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Sau đó, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) đề nghị cần cân nhắc với các dự án đấu thầu có liên quan đến bất động sản. Theo đại biểu Nguyễn Vân Chi, về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, Điều 62 của dự thảo Luật có quy định 2 phương pháp.
Phương pháp thứ nhất, đánh giá lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước được áp dụng để đánh giá nhà đầu tư chào phương án thực hiện dự án đầu tư kinh doanh có hiệu quả sử dụng đất hoặc hiệu quả đầu tư, phát triển ngành, lĩnh vực cao nhất.
Phương pháp thứ hai, đánh giá theo tiêu chí cố định được áp dụng đối với dự án có yêu cầu đặc thù theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực mà cần xác định tiêu chí cố định khi đánh giá hiệu quả đầu tư, phát triển ngành, lĩnh vực.
Đối với các phương pháp khác được quy định chung tại dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Vân Chi đề nghị làm rõ thêm thời điểm bên mời thầu báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét các phương pháp khác trong chu trình đấu thầu, chu trình đánh giá hồ sơ dự thầu, xét duyệt trúng thầu.
“Phương pháp khác này được cơ quan mời thầu xây dựng trên cơ sở nào, đề cập trong hồ sơ mời thầu hay không?”, đại biểu Nguyễn Vân Chi băn khoăn.
Đại biểu Nguyễn Vân Chi cũng đề nghị làm rõ trong trường hợp phương pháp khác này được xác định trước, được đưa vào trong hồ sơ mời thầu thì liệu có cách nào tránh được việc các cơ quan mời thầu xây dựng cơ chế mời thầu, xét duyệt thầu khác nhau theo từng dự án. Cơ chế này có mở rộng hơn so với quy định của Luật Đấu thầu hay không? Do đó, đại biểu Nguyễn Vân Chi đề nghị cần cân nhắc kỹ với các dự án đấu thầu có liên quan đến sử dụng đất, bất động sản.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thì đề nghị không nên quy định tổ chức đấu thầu trước. Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu thực tế thời gian qua việc tổ chức đấu thầu trước có nhiều hệ lụy, bởi nếu tổ chức đấu thầu trước nhưng hồ sơ mời thầu chưa xong, cấp thẩm quyền chưa cho ý kiến hoặc trong quá trình giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, giá trị xây lắp tăng, giá nhân công tăng dẫn tới đội vốn… phát sinh nhiều tiêu cực. Vì vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc quy định không nên quy định đấu thầu trước trong dự thảo luật.
Đối với chỉ định thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh về sự cần thiết nhất là trong những trường hợp đặc biệt để đảm bảo các tiêu chí đề ra. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không dám chỉ định thầu vì có nhiều quy định ràng buộc, trách nhiệm của nhà đầu tư rất lớn, do vậy cần quy định cụ thể về nội dung này.
Đại biểu Phạm Văn Hoà cũng thống nhất với quy định về đấu thầu dự án, nhưng dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn đảm bảo khách quan, công bằng cho các nhà đầu tư, tránh hình thức. Ngoài ra, quy định về tổ thẩm định giá, chuyên gia thẩm định giá có vai trò rất quan trọng, đại biểu đề xuất quy định rõ tiêu chí, quy định rõ trách nhiệm rõ ràng, cụ thể đối với những trường hợp này.
Còn đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) đề nghị bổ sung thêm nội dung về đấu thầu rộng rãi, theo đó cần có quy định đấu thầu chỉ về giá cho các gói thầu thông thường. Bởi ở nước ta hàng năm thực hiện hàng ngàn gói thầu, trong đó có rất nhiều gói thầu thông thường với quy mô dưới 50 tỷ, cùng một loại công trình xây dựng…
Do đó, đại biểu Đinh Ngọc Minh cho rằng cần có giải pháp để các nhà thầu chỉ đấu thầu về giá, giúp giảm chi phí cho nhà thầu và đặc biệt hạn chế được nhà thầu phải gặp chủ đầu tư trước khi đấu thầu, bởi làm như vậy thì sẽ không khách quan.
Nguyễn Việt