Nhiều năm trôi qua, vợ chồng ông Vũ Huy Linh và bà Vũ Thị Là chưa một ngày nghĩ đến chuyện rời xa nghề làm trống truyền thống của làng Ông Hảo. Trung Thu, mùa bận rộn nhất trong năm đã qua nhưng tiếng cạch cạch của dao thớt, tiếng è è của lưỡi cưa xẻ từng thớ gỗ… vẫn vang vọng cả ngôi làng.
Tới thăm làng nghề Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên ) vào những ngày đầu tháng 10, dù không còn không khí lao động gấp gáp, khẩn trương song chúng tôi cũng không khó để nghe thấy tiếng trống rộn vang cả làng sau những ngày dài chuẩn bị cho Tết Trung thu 2023 vừa qua.
Ông Linh nồng nhiệt đón tiếp rồi kể cho chúng tôi về mối tình đẹp nhất của đời mình gắn liền với nghề làm trống. Ông kể: “Năm 1980, tôi xuất ngũ về địa phương rồi gặp bà nhà, cảm mến về người con gái cùng làng dịu dàng chịu thương chịu khó, chẳng bao lâu sau chúng tôi quyết định kết hôn nên duyên vợ chồng”.
Ông Linh cho biết: Ngày ấy cả làng đều làm nghề trống nên ông chọn cách đi chạy chợ, ngược xuôi buôn bán những sản phẩm của làng nghề. Thế rồi như một cái duyên, ông quyết định ở nhà và học làm trống cùng bà Là. “Nghề làm trống cũng thật lắm gian truân, vất vả nhưng vợ chồng tôi vẫn quyết tâm giữ nghề truyền thống. Năm nào nhu cầu thị trường lớn thì cháy chợ, năm nào thời tiết hay mưa thì thị trường chuộng đồ Trung Quốc nên rất dễ ế hàng”, ông Linh nói.
Ông Linh còn chia sẻ thêm: Một chiếc trống hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Nét độc đáo của trống làng Ông Hảo là được chế tác từ gỗ mỡ và da trâu. Gỗ phải được tiện theo các kích thước của từng lứa tuổi, tang trống phải tròn không quá dày mà cũng quá mỏng, từ một khúc gỗ có thể tạo hình từ 3-5 chiếc tang trống có kích thước khác nhau.
Cũng theo bà Là: “Gia đình tôi làm nghề trống truyền thống đến bây giờ được 43 năm. Gỗ sau khi được tiện thành các khung sẽ được đem đi phơi khô rồi đóng, cuối cùng là quét sơn đỏ”.
Bưng trống là bước quyết định sự thành bại của sản phẩm, người dân làng Ông Hảo thường sử dụng dây thừng để kéo căng mặt trống. Người thợ lúc này như một người nghệ sĩ để sao cho từng tiếng gõ được chuẩn nhất. Nếu bưng ra quá căng thì trống kêu không tròn tiếng, còn nếu da quá trùng thì sản phẩm sẽ nhanh hỏng. Trước đây, người làm nghề phải dùng tre vót nhọn để gim da trống nhưng nay đã được thay thế bằng gim sắt.
Để chiếc trống trở nên bắt mắt không thể bỏ qua công đoạn sơn màu. Khi công đoạn sơn màu hoàn tất thì cũng là lúc sản phẩm được đóng tai. Bà Là nói, trống phải làm từ da tốt thì trống mới kêu hay, da kém hay khung gỗ chưa phơi khô sẽ kém tiếng. Theo bà Là, trống Ông Hảo có tới 7 kích cỡ khác nhau dành cho lứa tuổi từ 5 tuổi cho đến 15-16 tuổi.
Trong câu chuyện kể với chúng tôi về các công đoạn để làm một chiếc trống hoàn thiện, bà Là không khỏi nghẹn lòng mà rằng: “Vợ chồng tôi rất tâm huyết với nghề, chúng tôi lấy đam mê để mang lại tiếng cười cho trẻ nhỏ chứ không lấy đó để làm kinh tế”.
Mỗi sản phẩm của làng nghề Ông Hảo là sự hăng say, lòng nhiệt huyết của người dân gắn bó suốt nhiều thập kỷ qua với nghề. Với vợ chồng ông Linh, trống làng Ông Hảo chính là sự sống, nét đẹp văn hoá không có gì thay đổi. Những năm gần đây, sản phẩm đồ chơi truyền thống đang dần lấy được vị thế của mình. Đó cũng chính là động lực để vợ chồng ông Linh, bà Là tiếp tục gắn bó với nghề, nhờ đó mà trống làng Ông Hảo có mặt ở mọi miền trên mảnh đất hình chữ S.
Quốc An