Tập trung phát triển hạ tầng số được xác định là thành phần nền tảng thúc đẩy sự phát triển của chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số (CĐS).
Trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện, khi công nghệ thông tin (CNTT) được ứng dụng mạnh mẽ trong các ngành nghề, lĩnh vực đời sống KT-XH, hạ tầng CNTT và viễn thông là một trong những yếu tố tiên quyết tác động đến hoạt động của các hệ thống.
Quan tâm đầu tư hạ tầng số
Được biết, hiện nay mạng lưới viễn thông của tỉnh Quảng Ninh đã được đầu tư hiện đại hóa, đảm bảo thông tin liên lạc trong nước và quốc tế, đảm bảo cung cấp các dịch vụ với chi phí phù hợp và độ tin cậy cao như mạng lưới dữ liệu thông tin tốc độ cao, hạ tầng mạng lưới băng thông rộng (MAN), dịch vụ truyền số liệu, thuê kênh riêng, dịch vụ MyTV…
Hạ tầng mạng viễn thông có độ phủ tương đối tốt, có khả năng nâng cấp để đáp ứng các dịch vụ mới. Dịch vụ, viễn thông và Internet tiếp tục được đầu tư nâng cấp, lắp đặt thiết bị hiện đại và có bước phát triển vượt bậc, nhiều loại dịch vụ mới phát triển phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu của người dân.
Tuy đã đạt được nhiều thành tựu trong việc phát triển hệ thống hạ tầng CNTT, nhưng trên hành trình mới hiện nay với nhiều yêu cầu cao hơn, tỉnh Quảng Ninh cần cải thiện hơn nữa chất lượng hạ tầng phục vụ chuyển đổi số.
Theo báo cáo của Sở Thông tin & truyền thông (TT&TT), hết năm 2022, các thông số hạ tầng viễn thông của tỉnh Quảng Ninh cơ bản đạt mức cao hơn trung bình cả nước. Trong đó, thuê bao băng rộng di động đạt 88,9 thuê bao/100 dân (trung bình cả nước gần 85 thuê bao/100 dân); diện tích phủ sóng băng thông rộng (3G, 4G) trên địa bàn tỉnh đạt 79% (trung bình cả nước khoảng 72%). Hết năm 2022, tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đạt 29%, cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước 9%.
Với nền tảng của hạ tầng viễn thông, hạ tầng mạng của tỉnh cơ bản đáp ứng được các yêu cầu công việc. Hiện tỉnh có 294 đường truyền do VNPT Quảng Ninh cung cấp dịch vụ, sử dụng cho hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến và hệ thống mạng diện rộng WAN hoạt động trên mạng số liệu chuyên dùng (SLCD) phục vụ cho hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh. Mạng WAN nội tỉnh cũng đang đáp ứng cơ bản nhiệm vụ truyền dữ liệu cho hệ thống chính quyền điện tử tỉnh (quản lý văn bản, dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử, hệ thống thư điện tử công vụ, cổng thông tin điện tử tỉnh,…).
Ngoài ra, mạng WAN nội tỉnh cung cấp kết nối từ trục tích hợp, chia CNTT sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) đến trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) và kết nối đến hệ thống quản lý văn bản điện tử quốc gia (CPNet). Cùng với đó, hệ thống trang thiết bị phục vụ giải quyết công việc trong của bộ máy hành chính nhà nước cũng đang cơ bản đáp ứng được các yêu cầu công việc.
Tuy hệ thống hạ tầng CNTT của tỉnh hoạt động tương đối ổn định, phục vụ các nhiệm vụ của tỉnh trong tiến trình chuyển đổi số, tuy nhiên, với yêu cầu ngày càng cao về phần cứng và phần mềm, hệ thống hạ tầng CNTT của tỉnh cũng bắt đầu bộc lộ một số hạn chế.
Theo ông Đinh Sỹ Nguyên – Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Đến thời điểm hiện tại, hệ thống hạ tầng CNTT được xây dựng từ Đề án Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh giai đoạn trước bắt đầu xuống cấp, hết khấu hao, hỏng.
Hệ thống tường lửa, máy chủ, thiết bị lưu trữ, sao lưu, các thiết bị an toàn thông tin tại trụ sở UBND cấp xã theo hệ thống chính quyền điện tử đã lạc hậu, hỏng hóc, chưa được đầu tư nâng cấp thường xuyên dẫn đến hoạt động chậm, đôi khi gây gián đoạn công việc, ảnh hưởng đến xử lý công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương và không đảm bảo an toàn thông tin…
Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin
Theo Sở TT&TT: Hiện nay vấn đề phát triển hạ tầng CNTT phục vụ chuyển đổi số của tỉnh cũng gặp phải một số điểm nghẽn. Điển hình là tiến độ triển khai, giải ngân một số dự án, nhiệm vụ về CNTT, chuyển đổi số nhằm phát triển hạ tầng, nền tảng số sau khi đã được UBND tỉnh phê duyệt, phân bổ kinh phí còn chậm; tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án cũng chưa đạt tiến độ đề ra do còn tâm lý e ngại của một số cơ quan, đơn vị trong quá trình thẩm định, triển khai các dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT…
Việc mua sắm trang thiết bị CNTT theo hình thức mua sắm tập trung trong 2 năm qua không triển khai được, dẫn đến ảnh hưởng nhiều đến việc đảm bảo trang thiết bị làm việc, xử lý công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhiều trang thiết bị CNTT của các đơn vị, địa phương hiện đã hỏng, không có thiết bị để làm việc, phục vụ giải quyết TTHC cho người dân…
Để khắc phục những hạn chế về hạ tầng CNTT phục vụ tiến trình chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn mới, hiện tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó ưu tiên dành nguồn lực hoàn thành việc nâng cấp hệ thống một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công của tỉnh đáp ứng các quy định, yêu cầu về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP (ngày 23/4/2018) của Chính phủ và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP (ngày 8/4/2020) của Chính phủ.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương hiện cũng nhanh chóng rà soát, bố trí nguồn lực thực hiện nâng cấp, chuẩn hóa hạ tầng kỹ thuật CNTT, gồm mạng WAN, mạng LAN, trang thiết bị máy tính phục vụ làm việc của CBCCVC…; nâng cấp các hệ thống phần mềm đảm bảo an toàn, an ninh mạng phục vụ hoạt động của chính quyền điện tử, chính quyền số.
Có thể thấy, trên cơ sở hạ tầng sẵn có, các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số cũng đã mạnh dạn đầu tư thêm về hạ tầng số một cách đồng bộ và quyết liệt. Qua thực tế triển khai, các địa phương, đơn vị, ngành cũng nhận thấy cần có nguồn kinh phí tập trung để đầu tư hạ tầng số hiện đại và đồng bộ ngay từ đầu, tạo đà cho các hoạt động tiếp theo.
Hiện Sở TT&TT tiếp tục chuyển đổi địa chỉ IPv6 cho các hệ thống của tỉnh; phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng chất lượng cao theo hướng triển khai tắt sóng 2G, giảm tối đa trạm 3G, tăng tỷ lệ trạm 4G theo hướng là hạ tầng chủ đạo, đẩy mạnh phát triển hạ tầng mạng 5G tại KCN, khu đô thị, khu du lịch và các bệnh viện cấp tỉnh. Các sở, ngành, đơn vị liên quan đang khẩn trương đẩy nhanh việc xây dựng Kế hoạch phát triển hạ tầng số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng 2030. Trong đó, đề ra các nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể về việc phát triển hạ tầng CNTT phục vụ yêu cầu chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn mới.
Minh Huệ – Trung Thành