Chi tiêu cho hình thức quảng cáo này dự báo đạt 125,7 tỉ USD trong năm 2023, tăng 9,9% so với năm ngoái.
Quảng cáo trên kênh bán lẻ không mới, thậm chí còn khá truyền thống, lâu đời. Đó là hình thức quảng cáo trong các cửa hàng bán lẻ, chẳng hạn như là siêu thị, hoặc trên trang mạng hay ứng dụng của các nhà bán lẻ. Tuy vậy, vài năm trở lại đây, hình thức này bỗng “mốt” trở lại và đang phát triển một cách thần tốc.
Tập đoàn đầu tư truyền thông quảng cáo lớn nhất thế giới GroupM cho biết, doanh thu quảng cáo từ các kênh truyền thông bán lẻ kỳ vọng sẽ đạt 125,7 tỉ USD, tương đương 9,9% trong năm nay. Con số này sẽ tăng lên 15,4% vào năm 2028.
Theo báo cáo của công ty quảng cáo WPP, trong năm 2023, phương tiện truyền thông bán lẻ đang là kênh quảng cáo phát triển nhanh thứ 3, chỉ sau quảng cáo ngoài trời OOH (out-of-home) và quảng cáo trên truyền hình kết nối mạng (Connected TV – CTV). Các nhà bán lẻ toàn cầu như Amazon, Walmart, Target, v.v. đều rất đang tích cực thu hút các nhà quảng cáo tên tuổi lựa chọn trang web của họ.
Điều này cũng giúp các nhà quảng cáo có thêm một lựa chọn khác để đa dạng hóa chi tiêu quảng cáo, bên cạnh sự “độc quyền song hành” của hai nhà quảng cáo kỹ thuật số hàng đầu là Google và Facebook.
Tuy nhiên, yếu tố chính làm thay đổi cuộc chơi là việc cả các chính phủ lẫn người dùng ngày càng nhận thức được sự quan trọng và bảo vệ quyền riêng tư trên mạng. Cụ thể, Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Liên minh châu Âu buộc các nền tảng ngăn chặn việc thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng. Không thu thập được dữ liệu khiến các nền tảng như Google hay Facebook quảng cáo kém chính xác hơn và “mất điểm” với doanh nghiệp.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ lại có được dữ liệu của khách hàng trực tiếp của mình và trở thành “mỏ vàng” để các nhà bán lẻ làm quảng cáo. Điều đó thể hiện qua mức phí mà các công ty kinh doanh hàng tiêu dùng lớn sẵn sàng chi trả cho vị trí nổi bật trên trang web của các nhà bán lẻ chiếm tới 90% tỉ suất lợi nhuận của các nhà bán lẻ. Đây là một phần phí rất lớn, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty kinh doanh hàng tiêu dùng.
Doanh thu từ hoạt động kinh doanh quảng cáo trong quý IV năm ngoái của Amazon – công ty tiên phong trong lĩnh vực truyền thông bán lẻ – đạt 11,6 tỉ USD. Trong khi đó, doanh thu của Walmart lên đến 2,7 tỉ USD trong năm ngoái, tăng gần 30%.
Trong khi các công ty Mỹ dẫn đầu mạng lưới truyền thông bán lẻ, các nhà bán lẻ châu Âu cũng tranh thủ cơ hội. Giám đốc điều hành Frans Muller của Ahold Delhaize (nhà bán lẻ hàng đầu tại Hà Lan) cho biết họ đã đạt 50% của mục tiêu tăng 1 tỉ euro doanh thu năm 2025. Đây là một nỗ lực dựa trên việc tập trung bán quảng cáo trên các trang web của siêu thị và kiếm tiền từ việc thu thập thông tin dữ liệu người dùng.
Trong khi đó, tập đoàn siêu thị lớn thứ hai của Anh Sainsbury’s đã kết hợp chương trình khách hàng thân thiết với các dịch vụ tiếp thị. Họ dã tạo ra Nectar360 để làm việc với 700 thương hiệu, dự kiến thu hơn 90 triệu bảng Anh (113 triệu USD) lợi nhuận bổ sung từ hoạt động kinh doanh vào năm 2026.
Theo các chuyên gia tư vấn McKinsey, riêng mạng lưới truyền thông bán lẻ trong lĩnh vực siêu thị ở Anh có thể tạo ra 1 tỉ bảng Anh lợi nhuận trong vòng 2 năm.
Với đà này, người ta dự đoán ngày các nhà bán lẻ trở thành đối trọng lớn với các ông lớn quảng cáo số truyền thống sẽ không còn xa nữa.
Quân Bảo