tuquantri

Tất cả chúng ta đều đổ nhau đi học kỹ năng, kiến thức để quản trị người khác, để quản trị tổ chức, doanh nghiệp,… Học quản trị người khác thì tốt thôi, nhưng để có thể quản trị ai đó khác, kỹ năng đầu tiên cần nhuần nhuyễn là quản trị chính bản thân mình.

Đầu tiên hết, bạn đừng nên chủ quan là mình hiểu mình, biết hết, biết nhiều, cái gì cũng biết. Bạn cần khách quan audit – kiểm toán lại bản thân xem mình mạnh gì, yếu gì, có gì, thiếu gì. Hiểu đúng về bản thân là bước quan trọng trong quá trình phát triển bản thân. Bài này, bạn tự làm, đồng thời nhờ người thân xung quanh như sếp trực tiếp, đồng nghiệp, bạn bè, thầy cô, mentor giúp mình. Khi giữ thế khách quan và chủ động tìm hiểu, ta sẽ nhận được dữ liệu đúng từ nhiều nguồn. Bạn có thể sẽ rất ngạc nhiên khi thấy thứ mình nghĩ không giống điều người ta thấy. Nếu ai đó nhận xét điều gì làm bạn ngạc nhiên, ví dụ nói bạn là người aggressive – có tính hung hăng, hãy hỏi họ tại sao họ lại nghĩ như thế, ví dụ cụ thể sự việc gì làm cho người khác nghĩ là bạn hung hăng.

Chúng ta trôi qua trong đời, bận rộn, lười biếng, hướng ra ngoài và tâm lơ ngơ giữa xã hội ồn ào. Cứ mãi đi ra, đi ra, không trở về với bản thân mình, nên chẳng bao giờ tìm thấy bản thân. Ta, không ở ngoài kia. Ta ngự trong sự tĩnh lặng khi đối diện với bản thân mình đó.

Thời gian cho bản thân còn không có, làm sao hiểu và quản trị được chính mình? Không quản trị được mình thì học gì và quản trị được ai? Bắt người khác phải thế này thế kia, mình làm được không? Muốn họ làm việc chi tiết, mình có chi tiết không? Muốn họ nói ra phải giữ lấy lời, mình có lật kèo không? Nổi cơn, emo lung tung, sao bắt người khác phải bình tĩnh lắng nghe mình?

Cho nên, bạn muốn quản trị người khác thế nào, bạn nên master bản thân trước đã. Ngày xưa đi học đại học ở Úc, ngày tốt nghiệp thầy giáo hỏi, các em đã học được gì, ai cũng nói học được bằng MBA, học phát triển doanh nghiệp, học quản trị công ty… Riêng tôi trả lời, I’ve learned how to master myself – Tôi học được cách quản trị chính bản thân mình. Mình làm được rồi hãy nói người ta. Quản trị bản thân đã rồi quản trị người khác.

Khi đã hiểu mình mạnh gì, yếu gì, có gì, thiếu gì, lúc đó mới gạch đầu dòng ra bản thân cần học gì và phát triển thế nào. Có người cần kỹ năng mềm. Có người cần kiến thức mới. Nhưng rất nhiều người cần học quản trị cảm xúc. Trong rất nhiều trường hợp, ta phản ứng theo cảm xúc bị chi phối tức thì mà biểu hiện sai, hành động sai, đưa ra quyết định sai. Cảm xúc nhất thời đó, có thể là phản ứng tự vệ của tiềm thức, dựa trên các sự kiện, nỗi đau, nút thắt quá khứ tạo nên.

Vậy, nên mới nói, chính ta tạo ra problem – vấn đề cho ta, rồi lại lục đục đi giải quyết mớ bòng bong vấn đề do chính mình tạo ra, xong tự nhiên thấy mình sao quá bận rộn, mệt mỏi, bất lực với thế giới đầy vấn đề này. Ủa, nếu dừng lại, đừng tự tạo ra vấn đề nữa được hôn? Đời rồi sẽ vô cùng nhàn hạ.

Bạn thấy đó, khoan đi học quản trị người khác. Quay về học quản trị bản thân mình trước đã. Làm được, là 95% vấn đề quanh đời bạn tự nhiên biến mất hết rồi, khỏi phải ra tay giải quyết. Giờ, ta đầu tư làm biến mất 95% vấn đề, hay đâm đầu đi học cách giải quyết 5% vấn đề?

Thứ hai rồi, tự suy nghĩ đi nghen.