Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, cho rằng số lượng cán bộ y tế phải trả giá là quá lớn. Chúng ta cần làm thế nào để trong trường hợp dịch bệnh có quay trở lại, chúng ta đối phó tốt hơn.
Chiều 29-5, thảo luận về báo cáo giám sát công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch COVID-19, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận đại dịch COVID-19 là một phép thử để biết thực lực ngành y tế đến đâu, để từ đó có các chính sách phù hợp.
Từ thực tế tâm dịch TP HCM, bà Lan cho biết việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 có rất nhiều khó khăn. Thời điểm dịch bùng phát ở TP HCM, có nhiều doanh nghiệp, người dân với tấm lòng vàng muốn đóng góp, ủng hộ cho công tác chống dịch, nhưng theo bà Lan, đóng góp bằng hiện vật sẽ dễ sử dụng hơn bằng tiền.
“Những dự đoán của chúng tôi về việc đóng góp đó phần nào đã trở thành hiện thực khi có hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra sau đại dịch”- bà Lan cho hay.
Ngay cả những thủ tục, quy trình để mua vaccine, theo bà, cũng là một “bài toán khó” vào thời điểm ấy, nhưng rất may Việt Nam làm tốt được ngoại giao vaccine.
“Không phải lúc nào cũng may mắn như vậy. Nếu có dịch bệnh tương tự xảy ra sẽ tiếp tục thiếu vaccine, còn hiện tại cơ sở y tế thì thiếu thuốc”, bà Lan nêu thực trạng để nói về những bất cập trong quy chế đấu thầu và “chưa biết bao giờ mới được tháo gỡ”.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng chỉ ra những chính sách bất hợp lý trong giai đoạn chống dịch. Điển hình như việc “ông nội, ông ngoại” can thiệp tiêm vaccine, tại sao không cho phép tiêm dịch vụ để bớt gánh nặng cho công lập? Hay khi cả cộng đồng sục sôi vì thiếu thuốc điều trị, lúc đó Bộ Y tế lại chậm trễ trong cấp số đăng ký cho các thuốc này dẫn đến là tình trạng mua bán bên ngoài và đẩy giá, gây thiệt hại cho người dân…
Ủng hộ chống tiêu cực, song nữ đại biểu góp ý cũng cần quan tâm đúng mức đến việc xây dựng, “bồi bổ” để ngành y tế mạnh hơn.
Cần cơ chế để bảo vệ những người tham gia phòng, chống dịch bệnh
Từ những vấn đề vừa nêu, nữ đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị công tác giám sát cũng như báo cáo cần đi vào thực tế, làm thế nào để trong trường hợp dịch bệnh có quay trở lại, chúng ta sẽ đối phó tốt hơn. Tuy nhiên, với tâm lý e dè, sợ hãi, tự làm khó mình như hiện nay, đại biểu băn khoăn “không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi đại dịch quay lại”.
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, cần cơ chế để bảo vệ những người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, để tránh mọi tình huống về sau. “Tôi cũng là thành viên đoàn giám sát, cũng đã từng ở tâm dịch, khi đoàn giám sát đi đến các địa phương, đã chứng kiến nhiều người phải rơi nước mắt” – đại biểu nói.
Minh Châu