Việc Mỹ công bố lệnh trừng phạt đối với các quan chức cấp cao và các thực thể của Nga cho thấy, Washington sẽ có chính sách ngoại giao cứng rắn hơn với Moscow so với thời Cựu Tổng thống Trump.
Dẫn lời giới chức trong chính quyền Tổng thống Biden, Reuters đưa tin cho biết, Mỹ nghi ngờ Nga đang cố gắng đầu độc nhà chính trị gia đối lập Alexei Navalny. Théo đó, 7 quan chức cấp cao của chính phủ Nga phải đối mặt với các lệnh trừng phạt như đóng băng tài sản.
Ngoài ra, lệnh trừng phạt còn áp đặt với 14 thực thể liên quan đến việc sản xuất tác nhân sinh học và hóa học của Nga, trong có có 13 đơn vị liên quan đến thương mại và một viện nghiên cứu của chính phủ Nga.
Đây là đòn cấm vận đầu tiên của chính quyền Biden phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Moscow kể từ khi ông trở thành Tổng thống Mỹ và mở một cuộc đánh giá toàn diện về chính sách Nga – Mỹ. Trong đó, các vấn đề liên quan đến Navalny, sự can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, vụ tấn công mạng Solar Winds và thông tin tiền thưởng cho các nhóm liên kết với Taliban nhằm vào lính Mỹ ở Afghanistan cũng sẽ được xem xét.
Giới quan sát nhận định, nhiều khả năng, chính quyền ông Biden sẽ cứng rắn hơn trong chính sách của Nga. Có thể Mỹ sẽ đưa ra nhiều cáo buộc chống lại Nga về vấn đề nhân quyền, ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Moscow, ủng hộ các nước Đông Âu nhằm gây áp lực với Nga ở hướng Đông.
Đặc biệt, trái ngược với Trump, chính quyền Biden sẽ tập trung vào các vấn đề nhân quyền ở Nga với những cáo buộc có nỗ lực đầu độc nhà hoạt động chính trị Alexey Navalny. Bên cạnh đó, việc tái khẳng định các cam kết đối với NATO cũng được coi là một biện pháp răn đe Moscow, duy trì và tăng cường các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga sau các sự kiện năm 2014 liên quan tới Ukraine.
Chuyên gia Michael Kimmage, Giáo sư Lịch sử, Đại học Công giáo Hoa Kỳ nhận định, bản thân Tổng thống Joe Biden cũng là người thiếu thiện chí với Nga hơn ông Trump. Trong cuộc phỏng vấn trước đây, ông Biden đã gọi Moscow là “mối đe dọa chính” đối với an ninh của Mỹ và các đồng minh.
Ngoài ra, ông Biden cũng tích cực ủng hộ ý kiến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống ở Mỹ. Do đó, không thể loại trừ khả năng Mỹ sẽ có các biện pháp trừng phạt mới về vấn đề này.
“Tổng thống Biden và các nhân viên cấp cao của ông không phải là người mới đối với các vấn đề liên quan đến Nga, và cuộc bầu cử năm 2016 đã để lại ấn tượng cho họ rằng Nga có mục đích làm tổn hại đến vận mệnh của Đảng Dân chủ”, ông Kimmage đánh giá.
Nhiều khả năng, chính sách về nước Nga dưới thời chính quyền ông Biden sẽ nỗ lực kiềm chế Nga nhiều hơn và các hành động, đặc biệt là các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ được gia tăng nhằm làm giảm hiệu quả quân sự và ngoại giao của Nga.
Pavel Koshkin, Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, ông Biden có thể đưa Mỹ quay lại các cách tiếp cận của chính quyền Cựu Tổng thống Obama đối với Nga. Và mặc dù tổng thống đắc cử cứng rắn hơn và kiên quyết hơn trong chính sách đối với Moscow so với người tiền nhiệm, điều đó không có nghĩa là Tổng thống Mỹ sẽ không cố gắng để cải thiện quan hệ Mỹ-Nga.
Nhưng điều đó sẽ vô cùng khó khăn, bởi vì ngày nay Nga được coi là một quốc gia đối lập hơn là một người bạn hay đồng minh. Nhưng trong vài trường hợp, Washington vẫn sẽ coi Nga là một trong những bên liên quan quan trọng.
Vẫn sẽ có chỗ cho chủ nghĩa thực dụng lành mạnh trong quan hệ Mỹ-Nga dưới thời ông Biden. Dự kiến, Tổng thống Mỹ sẽ khôi phục lại các cuộc đàm phán xoay quanh việc không phổ biến hạt nhân với Nga, vốn đã bị đình trệ dưới thời ông Trump.
Xét cho cùng, hợp tác chiến lược và một thế giới không có vũ khí hạt nhân là một trong những ưu tiên hàng đầu của Cựu Tổng thống Obama, và ông Biden cũng sẽ nối tiếp điều này. Washington có thể quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, và Nga có thể tham gia vào quá trình này với tư cách là một trong những bên liên quan chính.
Nga biết điều gì sẽ xảy ra dưới thời Tổng thống Biden; đó là lý do tại sao mối quan hệ Moscow-Washington sẽ phát triển theo cách dễ đoán hơn.
Cẩm Anh