Chuyển tới nội dung

Quad Plus-phản ứng nhanh của Mỹ, cơ hội cho Việt Nam!

Cũng giống như trận sóng thần năm 2004 đã tạo ra Quad, cuộc khủng hoảng COVID-19 toàn cầu hiện nay đang tạo ra một kỷ nguyên hợp tác mới, Quad Plus bao gồm cả việc mở rộng tự do kinh tế.

Xuất hiện lần đầu tiên cách đây hơn 10 năm, sau trận sóng thần khủng khiếp năm 2004, Quad-Bộ tứ cường là tập hợp của bốn quốc gia Mỹ, Nhật, Úc, Ấn độ nhằm đối thoại và trao đổi về các vấn đề an ninh mà các bên “có lợi ích chung”.

Trước đây, đối thoại chiến lược “tứ cường” giữa Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ được kỳ vọng không chỉ là mối quan hệ ngoại giao và chiến lược quan trọng, mà còn có tiềm năng trở thành mối quan hệ đối tác kinh tế lớn ở khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương.

Mặc dù vậy, từ thời điểm sơ khai, cả bốn quốc gia này dường như chưa bao giờ thống nhất được về khái niệm, nội hàm hay các chương trình nghị sự của liên minh đối thoại chiến lược này.

Thời điểm này, việc hợp tác chiến lược sẽ cần thiết hơn bao giờ hết bởi những suy thoái của các nền kinh tế đang cần một “cú hích” đủ lực để phục hồi sau những cơn “bạo bệnh” từ đại dịch. Và Mỹ với vai trò “đầu tầu” trong liên minh đang đưa ra những sáng kiến cho sự hình thành một trật tự mới, Quad Plus, trong đó bao gồm thêm Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand trong công cuộc ứng phó và khắc phục hậu quả kinh tế từ COVID-19.

Vì sao Mỹ “hâm nóng” lại “liên minh tứ cường”?

Trước tác động đến nền kinh tế một cách sâu sắc từ đại dịch COVID-19, các nền kinh tế Quad đang có những dự báo “ảm đạm” về khả năng tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục.


Tổng thống Trump với Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, và Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, trong cuộc họp ba bên vào ngày đầu tiên của hội nghị G20 vào ngày 28 tháng 6 năm 2019.

Tổng thống Trump với Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, trong cuộc họp ba bên vào ngày đầu tiên của hội nghị G20 vào ngày 28/6/2019.

Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 đang phơi bày sự lệ thuộc của các nước phương tây, đặc biệt là Mỹ với các chuỗi cung ứng như nguyên liệu dược phẩm, thực phẩm, các thiết bị y tế, thiết bị điện tử… vào Trung Quốc. Nhận thấy điều đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang cần phải xem xét lại một cách nhanh chóng việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc.

“Chính sách Trung Quốc” của Trump đã được xác định bằng các cuộc đấu tranh hậu trường giữa các cố vấn thương mại và “diều hâu” Trung Quốc. Tất cả đang cho rằng, thời khắc này là một “cơ hội hoàn hảo” cho việc thay đổi bởi đại dịch COVID-19 là “kết tinh” của tất cả những “lo lắng” và “sự chịu đựng” mà mọi người gặp phải khi làm ăn với Trung Quốc.

Mỹ đang nỗ lực tạo ra một liên minh gồm các đối tác đáng tin cậy gọi là “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế chung”. Nó sẽ bao gồm các công ty và các nhóm xã hội dân sự hoạt động theo cùng một bộ tiêu chuẩn từ kinh doanh kỹ thuật số, năng lượng, cơ sở hạ tầng đến nghiên cứu, thương mại và giáo dục.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết trong ngày 29/4: “Chính phủ Hoa Kỳ đang hợp tác với Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu tiến lên phía trước”.

Và Quad Plus dường như đã được định hình lại trong một nỗ lực “thoát Trung Quốc” từ các nước đang chìm sâu trong khủng hoảng COVID-19.

Hành động của Quad.

Thời điểm này, các nền kinh tế Quad tập trung vào việc cải cách cơ cấu, xem xét ưu tiên tự do kinh tế bằng cách giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa và dịch vụ được giao dịch, giảm bớt gánh nặng thuế nội địa cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Giảm bớt các hạn chế trong việc di chuyển lao động và di chuyển công việc, hoặc giảm bớt các quy định gây ức chế hoạt động kinh doanh, có thể hỗ trợ phục hồi một cách nhanh chóng.

Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, và Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi.

Loại bỏ các rào cản trong các nước hiện đang được coi là ưu tiên hàng đầu của mỗi thành viên trong Quad. Đối với các ưu tiên cho việc hợp tác, tăng trưởng thay vì trừng phạt được cho là tối quan trọng.

Mới đây, trong cuộc họp của các Bộ trưởng ngoại giao của Quad đã đề ra các chính sách để giúp giảm thiểu chi phí kinh tế của đại dịch COVID-19 và tạo điều kiện cho sự phục hồi nhanh chóng của các thành viên trong Quad.

Các mục tiêu được hướng đến bao gồm: ưu tiên tự do kinh tế trong nước, xóa bỏ rào cản thương mại và đầu tư, giữ cho Quad hướng ngoại, xem xét đầu tư nước ngoài mới, xây dựng Mạng lưới Blue Dot – mạng lưới điểm xanh (BDN) với mục đích chiến lược.

Rõ ràng đây sẽ là cả một chặng đường dài phía trước và để phục hồi sẽ mất rất nhiều thời gian nhưng nếu Quad càng sớm có thể ưu tiên tự do kinh tế trong các chiến lược phục hồi của mình, mọi thứ càng sớm có thể trở lại bình thường.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Việc mời Việt Nam tham gia vào Quad thời điểm này là một phần trong những biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ, một động thái nhằm nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều.

Nhưng tại sao lại là Việt Nam mà không phải là quốc gia nào đó trong khối ASEAN? Theo các chuyên gia chính trị, lý do bởi Việt Nam là quốc gia phù hợp nhất, đi đầu trong ASEAN giúp Mỹ tăng cường lợi ích tại khu vực trong bối cảnh những cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết và khi thành đối tác với Việt Nam, Mỹ đang có những lợi ích thương mại và chính trị một cách rõ rệt.

Vốn dĩ trong sự nhận xét từ Mỹ, Việt Nam được cho là quốc gia chủ động và quyết liệt nhất trong việc kìm hãm ảnh hưởng ngày càng “bành trướng” của Trung Quốc cả về an ninh và kinh tế ở Đông Nam Á.

Một điểm cộng trong “mắt xanh” nước Mỹ và chính quyền Trump là lập trường của Việt Nam rất kiên định trong chính sách đối ngoại, tiếp tục thực hiện cân bằng chiến lược cùng với việc công khai chính sách trung lập một cách nhất quán. Thêm vào đó, mối quan hệ giữa Việt Nam với bốn thành viên của Quad ngày càng được thắt chặt và hữu hảo.

Việt Nam hiện tại đang thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với cả Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, trong khi quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ ngày càng được hoàn thiện.

Tuy nhiên, Việt Nam nên phản ứng thế nào trước “niềm tin” của Mỹ và các nước thành viên cốt cán trong Quad dành cho mình?

Có một vấn đề Việt Nam sẽ phải cân nhắc một cách kỹ lưỡng khi tham gia vào trong Quad Plus. Bản thân Việt Nam đang trung thành với chính sách “ba không” trong đó có việc không tham gia bất cứ một liên minh quân sự nào sẽ là một rào cản cho việc này bởi hiện tại Quad vẫn còn đang rất “lờ mờ” giữa định nghĩa là một “liên minh quân sự” hay là “liên minh về kinh tế”.

Mặc dù vậy, nếu Việt Nam tham gia vào nhóm Quad Plus, trước hết về mặt kinh tế, những lợi ích trông thấy từ các hợp tác đa phương giữa các nước trong nhóm sẽ lớn hơn bao giờ hết. Việc Quad đưa ra các tiêu chí chung cho hoạt động của nhóm sẽ đem lại nhiều tiềm năng và cơ hội cho Việt Nam.

Những cơ hội nhận được từ việc xóa bỏ rào cản thương mại và đầu tư, tham gia xây dựng Mạng lưới Blue Dot một sáng kiến của Mỹ trong việc đối phó với “vành đai và con đường” của Trung Quốc là rất lớn.

Bên cạnh đó, việc tham gia vào Quad Plus có thể cho Việt Nam vai trò đối tác đối thoại với Bộ Tứ trong nhóm về các vấn đề với Trung Quốc tại Biển Đông.

Bởi thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn đang tỏ ra những thái độ “hung hăng” và “quá trớn” trên những yêu sách tại vùng biển này mà Việt Nam với những chính sách mềm mỏng và đối thoại vẫn chưa đem lại hiệu quả một cách cụ thể.

Nguyễn Chuẩn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved