Không ngẫu nhiên mà các ngoại trưởng QUAD đưa ra mục tiêu thiết lập khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không bị cưỡng ép.
Ngoại trưởng các nước bộ tứ (QUAD) gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ vừa nhóm họp và ra tuyên bố chung đáng chú ý, trên tinh thần hướng đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở.
Chương trình nghị sự của QUAD lần này rất đa dạng, trong đó đáng chú ý là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế như Công ước quốc tế về luật biển 1982 nhằm thiết lập tại trận tự hàng hải, bao gồm không gian Biển Đông và Hoa Đông.
Như vậy, QUAD tiếp tục khẳng định lập trường hoàn toàn khác với hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Đây là tín hiệu tích cực cho các nước đang vướng vào tranh chấp chủ quyền biển, đảo với Bắc Kinh.
Bên cạnh đó QUAD bổ sung thêm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19 vào chương trình nghị sự. Hiện nay Ấn Độ đảm nhiệm vai trò sản xuất vaccine AstraZeneca ở châu Á, Mỹ chuyển giao công nghệ, Nhật và Úc tài trợ vốn và phân phối.
QUAD luôn đồng quan điểm coi ASEAN là trọng tâm tại khu vực, dù là liên minh mới hay cũ, thì các thành viên của QUAD, AUKUS, Five Eyes vẫn có mối quan hệ với ASEAN.
Hơn 50 năm qua, tổ chức ASEAN luôn hoạt động theo hướng mở, để ngõ nhiều “cửa sổ” luôn luôn sẵn sàng hợp tác với Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ, cả Trung Quốc. Có thể nói sự có mặt của những liên minh mới thành lập mang đến mảnh ghép giúp tối ưu sức mạnh cho các nước trong khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken đề nghị: “Hơn bao giờ hết, chúng ta cần quan hệ đối tác, chúng ta cần liên minh, chúng ta cần liên minh của các quốc gia sẵn sàng bỏ công sức, nguồn lực, tâm trí để giải quyết những vấn đề này. Điều quan trọng là chúng ta phải hiện diện, gắn bó và dẫn dắt trong khu vực này”.
Về quân sự, liên minh AUKUS ra đời giúp trang bị tàu ngầm hạt nhân, tăng khả năng quân sự cho Australia. Đây là động thái rất mạnh khi Trung Quốc liên tục mở rộng ảnh hưởng kinh tế và quân sự về phía các đảo quốc trên Thái Bình Dương, ngày càng tiến sát không gian lợi ích kinh tế, chiến lược của Australia.
Về kinh tế, QUAD từng kêu gọi Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand hình thành “bộ tứ mở rộng” để tái cấu trúc chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào nguồn cung hàng hóa, nguyên vật liệu từ Trung Quốc.
Gần hơn, trong năm 2021 Washington có những bước đi cụ thể gia tăng chiều sâu quan hệ với các nước Đông Nam Á trên 3 lĩnh vực: Thương mại, xuất khẩu và trí tuệ nhân tạo.
Nhiều khả năng, nửa đầu năm 2022, Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN được tổ chức, sẽ có những “cam kết mạnh, thực chất, hiệu quả” tập trung vào Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines.
Không ngẫu nhiên mà các ngoại trưởng QUAD đưa ra mục tiêu thiết lập khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không bị cưỡng ép. Dường như ám chỉ con đường bành trướng của Trung Quốc khiến nhiều quốc gia lo ngại.
Vì vậy, phản ứng với cuộc họp của QUAD, Trung Quốc cho rằng nhóm này chỉ nhằm mục đích kiềm chế Bắc Kinh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói: “Đây là một động thái cố tình nhằm gây ra đối đầu và phá hoại sự đoàn kết và hợp tác quốc tế”.
Trương Khắc Trà