Sáng ngày thứ 3 không có ca nhiễm mới, chuẩn bị công bố 18 người khỏi bệnh COVID-19, thêm nhiều ca có kết quả âm tính 1-2 lần.
Đây là những tin vui vừa được Bộ Y tế thông báo lúc 6h sáng ngày nay (7/4).
Theo đó, Bộ Y tế cho biết, đã 3 sáng liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận thêm ca bệnh COVID-19 mới. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số bệnh nhân ghi nhận là 245 người, trong đó, 153 người từ nước ngoài, 92 người lây nhiễm thứ phát, số người cách ly là 85.295 trường hợp.
Trong tổng số 245 người nhiễm COVID-19, đã có 95 người khỏi bệnh, dự kiến trong ngày hôm nay sẽ có thêm 18 người được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số người bệnh bình phục lên 113 người.
Đáng chú ý, trong các ca đang điều trị còn lại, đã có 32 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-COV-2, 30 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-COV-2.
Hiện vẫn còn 3 ca nặng, trong đó, 2 ca đang thở máy, lọc máu là BN19 và BN161 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (BN19 đã có tiến triển, kết thúc ECMO lúc 12h20 ngày 4/4/2020).
Có thể thấy, những ngày gần đây, tuy số ca mắc mới còn trồi sụt, nhưng xu hướng chung đã giảm dần số ca mắc COVID-19 mới.
Có được điều này, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, là nhờ tổng hòa của tất cả các giải pháp, đặc biệt sự vào cuộc từ rất sớm, rất đúng và rất kịp thời khi Việt Nam đã hành động ứng phó trên một mức.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Việt Nam sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nói: “Chúng ta phải lường những tình huống xấu để nó không xảy ra và chúng ta phải chuẩn bị ứng phó với những tình huống xấu nhất để hậu quả của nó không xảy ra”.
Theo nhìn nhận của PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, đây là phương châm hành động xuyên suốt ngay từ ban đầu và là nền tảng để chúng ta chống dịch tốt nhất trong thời gian vừa qua. Chúng ta đã có sự chủ động và thực tế đã chứng hiệu quả tốt.
Còn theo ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Công cộng Việt Nam, “các ca nhiễm mới có xu hướng giảm trong những ngày qua chưa giúp đánh giá được điều gì, bởi thời gian ủ bệnh đến 14 ngày. Phải để sau 14 ngày mới đánh giá được”.
Ở giai đoạn này, ông Phu đánh giá Việt Nam đã kiểm soát và xét nghiệm người nhập cảnh nhiều, nhưng xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng chưa nhiều. “Cần đẩy mạnh xét nghiệm trong cộng đồng, vì có xét nghiệm mới phát hiện nhiều, từ đó có cơ sở đánh giá được tình hình dịch”, ông Phu nói.
Việt Nam vẫn đang chống dịch theo phương châm “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch”. Những ổ dịnh như Bệnh viện Bạch Mai, bar Buddha đã được khoanh vùng xử lý tốt nên dịch không bùng phát.
Theo vị chuyên gia này, mối quan tâm chính tại thời điểm này là các ca trong cộng đồng. “Nếu Việt Nam không làm tốt, dịch sẽ bùng lên như ở các nước”, ông Phu nói.
Nói về việc xử lý lây nhiễm trong cộng đồng, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, xét nghiệm nhanh là một giải pháp hiệu quả. “Hà Nội vừa qua đã triển khai các trạm xét nghiệm nhanh – là xét nghiệm huyết thanh. Xét nghiệm này không khẳng định được vì có một số dương tính giả do kháng nguyên khác. Đã có một số trường hợp dương tính là hầu hết là dương tính giả và theo tôi đây là yếu tố khả quan để tiên lượng trong cộng đồng không phải có quá nhiều trường hợp mất dấu F0”. – ông Nhung nói.
Trong những ngày vừa qua, cả nước đã thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Chính phủ về cách ly toàn xã hội. Các địa phương, người dân đã thay đổi nếp sống, thực hiện cách ly xã hội hiệu quả, do đó, chống địch đã đạt được một số điểm tích cực.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “chúng ta không thể chủ quan, không được say sưa với chiến thắng bước đầu mà bỏ lửng những nhiệm vụ trong thời gian tới”.
Bởi theo Thủ tướng, dịch bệnh đang trong giai đoạn nguy hiểm, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Do đó, để bảo toàn lực lượng và kết quả chống dịch, ngăn chặn và xử lý từ xa và ngay trong cộng đồng, Thủ tướng yêu cầu toàn dân tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 về cách ly xã hội, để giữ vững thế chủ động chống dịch.
Từ nay đến ngày 15/4, Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị bám sát tình hình, chuẩn bị nhanh tất cả các kịch bản, các giải pháp để chuẩn bị cho làn sóng thứ 2 lây nhiễm COVID-19 mà nhiều nước như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản… đang phải đối phó rất vất vả tại nước mình, thậm chí họ phải tuyên bố biện pháp mạnh hơn.
“Kinh nghiệm từ những nước đó cũng là bài học cho chúng ta không được chủ quan, coi thường đối với làn sóng thứ 2 của dịch bệnh”, Người dứng đầu Chính phủ nói.
“Nếu chúng ta ngăn chặn được dịch lây lan trong cộng đồng, không tạo nên ổ dịch, vùng dịch lớn, sẽ không có đỉnh dịch, không có thiệt hại về người và sức khỏe của nhân đân”. Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi vi phạm về phòng, chống COVID-19 Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo về xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện, khẩn trương xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, nhất là: các hành vi vi phạm không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch; chống đối người thi hành công vụ phòng, chống dịch; đưa tin sai không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội; tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng; sản xuất hàng giả, đầu cơ găm hàng, tăng giá trái pháp luật, gian lận thương mại, gây bất ổn thị trường…; nếu có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý về hình sự. Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành điều tra, xem xét, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự. Các Bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình và kết quả thực hiện, gửi Bộ Y tế trước ngày 15/4/2020. Bộ Y tế tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 17/4/2020. |