Cơ quan Thống kê Ukraine công bố trong quý II năm nay, nền kinh tế nước này tăng trưởng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Ukraine cao hơn khu vực và thế giới.
Qua 18 tháng chiến sự Nga – Ukraine, đất nước Ukraine bị tàn phá nghiêm trọng, hàng loạt trung tâm công nghiệp quan trọng phía Đông Nam và Đông Bắc không thể hoạt động, nguồn lực cho chiến tranh chủ yếu được viện trợ bởi đồng minh.
Nhưng công bố mới đây của Cơ quan thống kê Ukraine gây sốc cho nhiều người, GDP quý II của nước này tăng trưởng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số kỷ lục kể từ khi Ukraine tách khỏi Liên Xô sau biến cố 1991.
Tuy nhiên, đây chỉ là so sánh với mức nền năm 2022, khi chiến sự Nga – Ukraine mới xảy ra khiến hoạt động kinh tế Ukaine hoàn toàn tê liệt, mức giảm cả năm xấp xỉ 30%. Ngân hàng Quốc gia Ukraine dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 2,9% năm nay, IMF dự báo nền kinh tế nước này tăng trưởng 1-3% vào năm 2023.
Đây cũng là con số ấn tượng trong bối cảnh hiện nay. Để so sánh, Citibank dự báo khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ tăng trưởng 0,8% trong năm 2023. Trong khi đó Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định kinh tế toàn cầu tăng trưởng khoảng 2,7%.
Lý do kinh tế Ukraine tăng trưởng mạnh được đưa ra là nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng mạnh. Điều này là hiển nhiên với một quốc gia trong tình trạng chiến tranh như Ukraine. Từ người dân đến các cơ quan công quyền – họ cần mọi thứ. Nhưng vấn đề là Ukraine cần dòng tiền đủ lớn để nuôi dưỡng nhu cầu.
Theo một công bố mới đây, hiện có 7 triệu người lao động nam giới Ukraine tìm việc tại các nước EU. Trong trạng thái bình thường, lực lượng này có thể gánh vác 10% GDP, tạo ra nguồn thu ổn định cho 20 triệu người, gần một nửa dân số.
Với chi phí chiến tranh 100 triệu USD/ngày, hệ thống tài chính Ukraine hầu như “khô cạn”, không có khả năng bơm tiền kích cầu tiêu dùng, đồng hryvna mất giá, nợ công tăng cao trong khi ngân sách ngày càng bị thâm hụt bất chấp viện trợ của phương Tây.
Vậy động lực đến từ đâu? Đến cuối tháng 5/2023, các đối tác quốc tế của Ukraine đã cung cấp gói hỗ trợ tài chính trực tiếp trị giá khoảng 70 tỷ euro, con số này gần tương ứng với tổn thất trong GDP.
Thống kê của Washington Post sau khi phân tích dữ liệu từ Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ cho kết quả: Kể từ khi chiến sự Nga – Ukraine bùng phát đến nay Ukraine đã nhận tổng cộng 66,2 tỷ USD viện trợ từ Nhà trắng.
Hơn 1 triệu binh sĩ đang chiến đấu, người làm việc trong hệ thống công quyền, người hưởng lương hưu,… đều có “thu nhập” từ nguồn viện trợ. Sau khi người dân tiêu dùng, nguồn tiền này sẽ được thu hồi trở lại một phần thông qua thu thuế, phí. Đây là động lực duy nhất có thể tạo ra tăng trưởng khép kín.
Tuy vậy, đây không phải là động lực tăng trưởng có thể tạo ra sức sống cho nền kinh tế Ukraine, cho nên tỷ lệ nghèo đói ở Ukraine đã tăng từ 5,5% trước chiến sự Nga – Ukraine lên gần 25% vào năm 2022 và một số dự báo cho biết con số này sẽ đạt 55% vào cuối năm 2023.
Có thể thấy rằng, nguồn viện trợ là lý do quan trọng nhất giúp nền kinh tế Ukraine chưa sụp đổ hoàn toàn. Đặt lên bàn cân, tiềm lực Ukraine quá mỏng manh so với Nga.
Trương Khắc Trà