Các địa phương cần có chính sách hỗ trợ nông dân, hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; khuyến khích nông dân tăng cường đầu tư thâm canh, mở rộng vùng sản xuất.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từng tỉnh, thành phố căn cứ vào diện tích thu hoạch lúa vụ mùa, Hè Thu, điều kiện nguồn nước, đất đai và thị trường, chủ động bố trí thời vụ, diện tích với cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm đạt diện tích sản xuất vụ Đông tối đa nhưng phải đảm bảo chắc ăn và hiệu quả kinh tế.
Với nhóm cây ưa ấm, đòi hỏi thời vụ gieo trồng nghiêm ngặt nên các địa phương cần kết thúc gieo trồng trước 10/10; với nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 10/10, riêng với cây khoai tây tập trung trồng từ 25/10 đến 15/11.
Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương ưu tiên sử dụng các giống khoai tây có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn chất lượng củ giống, giống sạch bệnh…
Đối với nhóm rau đậu, trồng rải vụ để đảm bảo nguồn cung, hạn chế tình trạng dư thừa giá thấp hoặc thiếu rau đẩy giá lên cao. Nhóm này cần tận dụng tối đa điều kiện đất đai, nhân lực, mở rộng tối đa diện tích gieo trồng.
Đồng thời áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới cho hiệu quả kinh tế cao như sản xuất rau trong nhà màn, nhà lưới; làm bầu, gieo gối vụ đối với bầu bí; trồng cà chua, dưa hấu bằng cây giống ghép; tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học, phân bón qua lá; tưới nước tiết kiệm, sử dụng màng phủ nông nghiệp trong trồng rau, dưa, lạc…
Bà Trần Thị Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đẩy mạnh việc dồn điền, đổi thửa, hình thành những vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Các tiến bộ kỹ thuật đã được đúc kết từ thực tiễn sản xuất như: giống mới, làm đất tối thiểu, làm ngô bầu, rẽ lúa đặt bầu trồng bí, dưa, che phủ ni lon trong trồng bí, dưa, lạc… để tận dụng thời gian, giảm công lao động và tăng hiệu quả kinh tế.
Các địa phương cần có chính sách hỗ trợ nông dân, hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; khuyến khích nông dân tăng cường đầu tư thâm canh, mở rộng vùng sản xuất.
Đồng thời, sản xuất theo hướng đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó kích cầu tiêu dùng, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ rau màu vụ Đông.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết dịch COVID-19 làm ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tiêu thụ các loại mặt hàng nông sản. Để giảm bớt gánh nặng cho hoạt động tiêu thụ hàng hóa, nhất là các sản phẩm cây vụ Đông những tháng cuối năm 2021, cục đã đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường hỗ trợ kết nối, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đối với thị trường trong nước, đơn vị sẽ hỗ trợ phân phối sản phẩm trên thị trường online trực tuyến. Tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ trực tuyến các nông sản an toàn vào thời điểm thu hoạch; các điểm kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn trực tiếp tại Hà Nội và các địa phương…
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong vụ Đông 2021, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai thêm 6 dự án để hỗ trợ nông dân các tỉnh nâng cao năng lực sản xuất theo hướng gắn kết chương trình khuyến nông với phát triển các vùng nguyên liệu.
Điển hình như dự án xây dựng mô hình và phát triển vùng trồng rau trái vụ theo chuẩn VietGAP tại 3 tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La với quy mô là 30 ha; dự án xây dựng mô hình sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc, với diện tích 50ha triển khai tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên. Hay dự án, xây dựng mô hình sản xuất rau chất lượng cao ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cung cầu tại 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên, Sơn La…
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ đẩy mạnh hình thức liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức hợp tác của nông dân, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm; gắn với mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo yêu cầu của chế biến nông sản và thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng sẽ đa dạng hóa nội dung tổ chức diễn đàn khuyến nông, phối hợp với các đơn vị xây dựng các diễn đàn lớn về phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; phát triển vùng nguyên liệu gắn với chuỗi giá trị, cơ giới hóa nông nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, vụ Đông 2021 khác với mọi năm bởi năm nay dịch COVID-19 phức tạp. Mục tiêu quan trọng là đảm bảo lương thực, thực phẩm cho thị trường trong nước trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu thị trường cuối năm. Do đó cần tận dụng triệt để diện tích có thể để sản xuất vụ Đông./.
Theo vietnam+