Hơn 90% những gì mà người ta thường gọi là “quản trị” (cho sang) thực ra là quản lý (management) và thuộc phạm trù quản lý công ty (corporate management) chứ không phải phạm trù quản trị công ty.
Nhiều người thích dùng từ quản trị – quản trị nhân sự, quản trị tài chính, quản trị rủi ro, quản trị cuộc đời…, và cho rằng quản trị là cao hơn, sang hơn quản lý.
Tôi hỏi họ cụm từ “quản trị” mà họ đang dùng trong tiếng Anh là từ nào? Họ trả lời là từ MANAGEMENT, và các cụm từ kia có gốc tiếng Anh là human resource management, financial management, risk management, life management. Vậy hóa ra, họ dịch từ management thành “quản trị”, trong khi bản chất của từ MANAGEMENT là “QUẢN LÝ”. Manager là người quản lý, Shop Manager là Quản lý cửa hàng, Warehouse Manager là Quản lý kho, Project Manager là Quản lý dự án…
Corporate Management là quản lý công ty khác với Corporate Governance là quản trị công ty. Những thứ nguyên bản là management (project management, human resource management, casf flow management, production management…), có nghĩa là quản lý (quản lý dự án, quản lý nguồn nhân lực, quản lý dòng tiền, quản lý sản xuất…), nhưng khi dịch ra tiếng Việt lại cứ dịch là “quản trị”, rồi đề cao cụm từ quản trị, xem nó là “sang hơn” hay “cao hơn” cụm từ quản lý, là một sự ngộ nhận. Cùng là MANAGEMENT mà dịch ra khác đi thì không có chuyện khái niệm này cao hơn hay sang hơn khái niệm kia đâu.
Quản trị công ty (CORPORATE GOVERNANCE) là khái niệm hoàn toàn khác với quản lý công ty (CORPORATE MANAGEMENT), và khác nhau là ở chữ GOVERNANCE so với chữ MANAGEMENT. Còn nếu dịch từ chữ management ra trong các thuật ngữ phổ biến thì nên dịch là “quản lý” sẽ đúng hơn là “quản trị”. Manager đơn giản là người quản lý chứ chẳng phải là quản trị gì cả.
“Quản trị công ty”, hay “Các nguyên tắc quản trị công ty” (Corporate Governance Principles – CGP) đề cập đến những vấn đề nằm ngoài công tác quản lý điều hành thường nhật của một tổng giám đốc và các cấp quản lý trong công ty; và thường tập trung vào những hoạt động liên quan đến khuôn khổ pháp lý, điều lệ công ty, quyền lợi cổ đông (shareholders) và các bên liên quan (stakeholders), đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, vấn đề minh bạch trong hoạt động công ty…
Trong khi đó thì quản lý công ty (corporate management) tập trung vào công tác quản lý hoạt động (operations, chiến lược, mô hình, cơ cấu, marketing, thương hiệu, bán hàng, tài chính, kế toán, nguồn nhân lực, sản xuất, cung ứng, quản lý chất lượng…)
Vấn đề quản trị công ty như trên đề cập đã có các luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các luật khác quy định, đồng thời phải theo thông lệ quốc tế.
Hơn 90% những gì mà người ta thường gọi là “quản trị” (cho sang) thực ra là quản lý (management) và thuộc phạm trù quản lý công ty (corporate management) chứ không phải phạm trù quản trị công ty.
Quản trị công ty là “Corporate Governance”, thường được thể hiện dưới dạng các nguyên tắc quản trị công ty “Corporate Governance Principles”, viết tắt là CGP, là một phạm trù khác hoàn toàn với công việc quản lý (management).
Nguyễn Hữu Long