Không phải cứ có sản phẩm xuất sắc là doanh nghiệp sẽ “ăn nên làm ra” từ sản phẩm đó. Thậm chí, không ít doanh nghiệp phá sản vì mải mê đi làm sản phẩm xuất sắc theo quan điểm của họ.
Trong thực tế kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phá sản vì mải mê đi làm sản phẩm xuất sắc chung chung theo quan điểm của họ. Họ quên mất khách hàng đang cần gì và chỉ có khách hàng mới là người chỉ cho ta thấy họ cần xuất sắc ở chỗ nào, vừa vừa ở chỗ nào và tàm tạm ở những chỗ nào.
Thật ra, không có một sản phẩm nào là xuất sắc toàn diện ở mọi khía cạnh, mà luôn phải hy sinh khía cạnh này để đổi lấy khía cạnh kia, chấp nhận chỗ này tệ để làm cho chỗ kia thật xuất sắc. Mặt khác, một sản phẩm xuất sắc với người này có thể là rất tệ với người kia.
Một chiếc xe có động cơ mạnh mẽ, bứt tốc nhanh, phải hy sinh khía cạnh tiết kiệm nhiên liệu. Ngược lại, một chiếc xe chú trọng tiết kiệm nhiên liệu phải hy sinh khía cạnh mạnh mẽ, bứt tốc. Một bữa ăn chay lành mạnh phải hy sinh vị ngon của thịt cá. Ngược lại, một bữa ăn nhiều thịt cá phải hy sinh khía cạnh lành mạnh của các món ăn chay. Cưới vợ “chân dài” phải hy sinh chuyện đồng áng, cày cấy. Ngược lại, cưới vợ nông dân, giỏi trồng trọt chăn nuôi, phải hy sinh chuyện được ngắm vợ trên sân khấu hay sàn diễn…
Kinh doanh, làm thương hiệu hãy nghĩ đến khách hàng và nghiên cứu thật kỹ nhóm khách hàng mục tiêu để tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu và tâm tư của họ, thay vì cứ mày mò làm sản phẩm xuất sắc chung chung theo quan điểm riêng của mình, rồi cuối cùng không bán được cho ai.
Sản phẩm xuất sắc không làm nên thương hiệu xuất sắc. Cách làm thương hiệu xuất sắc mới làm nên thương hiệu xuất sắc. Nên nhớ, cách làm thương hiệu xuất sắc đã bao gồm lựa chọn sản phẩm phù hợp, chứ không phải là sản phẩm tốt hay xấu. Sản phẩm phù hợp là phù hợp với định vị thương hiệu, khách hàng mục tiêu, với mức giá bán, với kênh phân phối…
Phù hợp có thể là cao cấp, có thể là trung bình hay dưới trung bình, và cũng có thể là bình dân hay rẻ tiền… miễn là phù hợp. Một lon Coca Cola có giá rẻ như bó rau muống nhưng thương hiệu Coca Cola thì có giá nhiều chục tỷ đô la.
Làm thương hiệu, bản chất là đem lại cảm xúc, tình yêu, lòng tin, sự yên tâm và niềm tự hào cho khách hàng bằng chính tiền của họ.
Nguyễn Hữu Long