Là nhà tuyển dụng, bạn cần hiểu giá trị của ứng viên và có cái nhìn thoáng hơn về những đòi hỏi chính đáng của họ, tương xứng với năng lực và kinh nghiệm của họ. Đừng quá câu nệ chuyện “chưa làm được gì đã đòi hỏi”.
Câu chuyện về một sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, từng có kinh nghiệm làm việc thêm trong lúc còn đang đi học, tính cách khá tự tin. Cậu đi phỏng vấn kiếm việc làm. Có một công ty rất thích nhận cậu, nhưng lại đưa ra mức lương quá thấp. Cậu sinh viên nhã nhặn và nhẹ nhàng trình bày: “Thưa anh, mức lương công ty đề nghị cho em như vậy là thấp quá ạ, thấp hơn cả thu nhập của người chạy xe ôm công nghệ không cần học hết trung học. Mong anh xem xét lại ạ!”.
Người phỏng vấn khó chịu, bảo cậu sinh viên: “Vậy em đi chạy xe ôm đi, sau 5 – 7 năm sẽ thấy thế nào. Chạy xe ôm sau 5 – 7 năm thu nhập vẫn chừng ấy. Còn làm ở công ty, nếu phấn đấu tốt, sau 5 – 7 năm có thể thu nhập của em tăng lên vài chục triệu/tháng…”. Dĩ nhiên, sau mẩu đối thoại này, hai bên không đến được với nhau.
Câu chuyện này, thoạt nghe, ai cũng nghĩ nhà tuyển dụng nói đúng và giải thích quá hay, còn cậu sinh viên thì so sánh ngốc nghếch và có cái nhìn thiển cận. Đúng là người phỏng vấn so sánh quá hay còn cậu sinh viên thì chưa khéo léo lắm!
Tuy vậy, nếu chịu khó tư duy thêm một chút, cậu sinh viên nói không sai và nhà tuyển dụng vì tự ái và so sánh kiểu đó nên không tuyển được người giỏi.
Người giỏi thường có cá tính mạnh và có chút tự tin hơn người khác. Họ biết rõ giá trị của mình và mong muốn được người khác đánh giá đúng.
Người giỏi cũng có nhiều lựa chọn và họ cũng tự cho phép mình có quyền lựa chọn. Cậu sinh viên giỏi khi đem thu nhập chạy xe ôm ra để so sánh với mức lương được đề nghị không phải vì cậu ấy chỉ có 2 lựa chọn là, hoặc nhận lời làm việc cho công ty với mức lương quá thấp, hoặc đi chạy xe ôm.
Cậu ấy còn nhiều lựa chọn khác ở các công ty khác, và xe ôm chẳng qua là cách cậu ấy dùng để so sánh, giải thích và thương lượng về mức lương tuyển dụng chứ không hề là lựa chọn của cậu ấy.
Nếu nhà tuyển dụng giỏi sẽ không vì nghe ứng viên so sánh với thu nhập chạy xe ôm mà khó chịu rồi bảo ứng viên “Vậy thì em đi chạy xe ôm đi!”.
Họ sẽ tìm hiểu xem mức lương mong muốn và mức lương chấp nhận của cậu sinh viên (mà họ biết là giỏi và có bản lĩnh) này là bao nhiêu. Và nếu thực sự đánh giá cao năng lực, bản lĩnh và sự phù hợp của cậu ấy, nhà tuyển dụng sẽ nâng mức lương tuyển dụng lên một chút, sao cho hai bên cùng chấp nhận để có được người giỏi và phù hợp.
Mặt khác, nếu biết cách giải thích cho ứng viên về con đường phát triển nghề nghiệp (career path) và kế hoạch phát triển nghề nghiệp (career development plan) của họ khi về làm việc cho công ty, công ty sẽ dễ dàng tuyển được người giỏi, hơn là dị ứng với đòi hỏi chính đáng và công bằng của ứng viên.
Là nhà tuyển dụng, bạn cần hiểu giá trị của ứng viên và có cái nhìn thoáng hơn về những đòi hỏi chính đáng của họ, tương xứng với năng lực và kinh nghiệm của họ. Đừng quá câu nệ chuyện “chưa làm được gì đã đòi hỏi”.
Lương cũng như giá mua bán sản phẩm dịch vụ – thuận mua, vừa bán và có thương lượng trong quá trình mua bán. Hai bên cứ thương lượng cởi mở, thẳng thắn và thoải mái (dĩ nhiên cần chút tế nhị và khéo léo) để đi đến thống nhất trong thoải mái. Có thoải mái thì sự hợp tác mới lâu dài và hiệu quả.
Hơn nữa, còn có thời gian thử việc để đánh giá và quyết định có nên tiếp tục hay dừng lại. Biết đâu, ứng viên có chút “đòi hỏi” sẽ đóng góp cho doanh nghiệp cao hơn nhiều lần mức họ đòi hỏi.
Kinh nghiệm tuyển dụng của nhà tuyển dụng giỏi là tôn trọng những nguyện vọng cởi mở, thẳng thắn và chân thành của ứng viên, tương ứng với năng lực của họ. Nhờ vậy, họ tuyển được người giỏi (và phù hợp) cho công ty. Còn hơn là tuyển vào mấy em ngoan ngoãn, sao cũng được, đề nghị mức lương bao nhiêu cũng nhận lời, rồi vào không làm được gì, hoặc chỉ “tạm trú” vài tháng rồi “bye bye” để đi làm chỗ khác.
Nguyễn Hữu Long