Từ năm 2027, hàng hóa xuất khẩu vào EU và Hoa Kỳ phải đáp ứng các tiêu chuẩn giảm phát thải nhà kính. Thời gian tới, hai thị trường lớn là EU và Hoa Kỳ sẽ kiểm soát đánh giá hàm lượng carbon trong sản phẩm nhập khẩu. Nếu hàm lượng carbon cao hơn quy định thì bắt buộc các nhà xuất khẩu phải nộp thêm thuế hoặc tín chỉ carbon.

Từ năm 2027, hàng hóa xuất khẩu vào EU và Hoa Kỳ phải đáp ứng các tiêu chuẩn giảm phát thải nhà kính.

Bên cạnh EU và Hoa Kỳ, nhiều thị trường quốc tế cũng đều đưa ra các tiêu chuẩn xanh mới ký kết hợp đồng giao thương, nhập khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam. Điển hình như Nhật Bản yêu cầu sản phẩm gỗ khi xuất sang thị trường này phải có chứng chỉ bền vững. Thị trường Đức hiện đang áp dụng nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung, tác động gián tiếp đến nhà sản xuất Việt Nam. Nhà nhập khẩu Đức yêu cầu Việt Nam cung cấp các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải…

“Điều này cho thấy Việt Nam cần có sự thống nhất tiêu chí và quy định theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất nguyên liệu gỗ”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam nhận định.

Như vậy, doanh nghiệp ngành gỗ ở Việt Nam buộc phải chuyển đổi xanh bởi đó là yêu cầu của nhà đầu tư, khách hàng và là xu thế của thời đại. Muốn vậy, doanh nghiệp buộc phải thay đổi cách quản lý, sử dụng công cụ, vật liệu thân thiện hơn với môi trường.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, thách thức đối với ngành công nghiệp gỗ và lâm nghiệp là phải xây dựng nguồn nguyên liệu đủ, ổn định về khối lượng cả trong nước lẫn nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhóm ngành công nghiệp gỗ. Đồng thời, bảo đảm mục tiêu bền vững môi trường trong nước và cam kết quốc tế của Việt Nam.

Thách thức là vậy nhưng nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đây là cơ hội cho doanh nghiệp trong ngành chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững. Nói như ông Đỗ Xuân Lập: “Doanh nghiệp nào đi tiên phong trong chuyển đổi xanh sẽ có nhiều cơ hội hơn, tiếp cận sớm hơn với các nguồn vốn quốc tế. Từ đó, sẽ giúp các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam duy trì và gia tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm gỗ trên thị trường quốc tế”.

Ngoài ra, theo ông Lập, khi chuyển đổi thành công, doanh nghiệp có cơ hội lớn để từng bước tham gia vào thị trường carbon thông qua việc cung cấp tín chỉ carbon, tạo thêm nguồn thu nhập cho doanh nghiệp, bởi nhu cầu tín chỉ carbon trên thế giới đang ngày càng lớn.

Tại Việt Nam, tín chỉ carbon trong ngành công nghiệp gỗ sẽ đến từ carbon lâm nghiệp. Việt Nam có 14,2 triệu ha rừng, chiếm 42% diện tích tự nhiên; trong đó, rừng tự nhiên trên 10 triệu ha, còn lại là rừng trồng.

Ở cả hai khu vực rừng tự nhiên và rừng trồng, nếu quản trị hiệu quả, chứng minh được sự tăng trưởng sinh khối và giảm phát thải thì đây chính là nguồn tín chỉ carbon dồi dào. Vừa qua, Việt Nam đã nhận được hơn 41 triệu USD đầu tiên (tương đương với 10,3 triệu tín chỉ carbon) từ Ngân hàng Thế giới do chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.

Đặc biệt, Việt Nam còn có cơ hội từ việc trồng rừng cho mục tiêu lấn biển, giữ đất ở khu vực biển phía Nam, Tây Nam từ Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… Riêng trong lĩnh vực chế biến gỗ, về cơ bản đây vẫn là ngành phát thải âm.

Nếu doanh nghiệp xây dựng được hệ thống kiểm đếm phát thải khí nhà kính, giúp truy vết dấu chân carbon (carbon footprint) thì khả năng sẽ có thừa tín chỉ carbon để thương mại, có nguồn thu ngoài sản phẩm chính.

Bên cạnh EU và Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng yêu cầu sản phẩm gỗ khi xuất sang thị trường này phải có chứng chỉ bền vững.

Được biết, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản cũng đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ tư vấn chuyên sâu giảm phát thải cho một số doanh nghiệp lớn chế biến gỗ.

“Chúng tôi cũng đã vận động các tổ chức quốc tế về môi trường hỗ trợ một phần kinh phí để hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Hiệp hội đã tìm nguồn tài trợ cho 5 doanh nghiệp lớn đi đầu thực hiện chuyển đổi xanh, với mức hỗ trợ từ 200 – 300 triệu đồng/doanh nghiệp để chuyển đổi xanh”, ông Đỗ Xuân Lập khẳng định.

Đồng thời cho biết, để tiếp tục hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp về vấn đề sản xuất giảm phát thải, trong quý I/2024, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo tư vấn cho khoảng 6 doanh nghiệp lớn của ngành về sản xuất giảm phát thải như: sản xuất tuần hoàn; sử dụng nguồn gỗ rừng trồng có chứng chỉ; liên kết chuyển đổi số để mang lại giá trị gia tăng cao và phát thải thấp… coi đây là tiêu chuẩn quan trọng của xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ sang các thị trường.

Đồng thời, sẽ đẩy mạnh hoạt động Quỹ Việt Nam Xanh của ngành gỗ để đảm bảo ngành gỗ không sử dụng và kinh doanh gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp. Đặc biệt nhất là đẩy mạnh hoạt động của Quỹ cho trồng rừng, nhất là ở những khu vực có nguy cơ hủy hoại môi trường, nhằm bảo vệ và phát triển rừng.

Đẩy mạnh truyền thông trong doanh nghiệp về sản xuất giảm phát thải, sản xuất tuần hoàn, sản xuất có sự liên kết gắn với chuyển đổi số để đưa ngành gỗ hướng đến phát triển bền vững, từ đó vừa tạo được giá trị giá tăng cao, đồng thời giảm phát thải.

Theo ông Nguyễn Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, hiện nay vẫn còn doanh nghiệp chưa nhận ra tầm quan trọng của các tiêu chí xanh trong chế biến, xuất khẩu gỗ nên còn chậm chuyển đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Khi các thị trường nhập khẩu khó tính kiểm soát đánh giá hàm lượng carbon trong các sản phẩm gỗ nhập khẩu, chỉ có sản phẩm xanh, sản phẩm không làm suy thoái, mất rừng, không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất mới đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường khó tính. Nên dù muốn hay không, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ bắt buộc phải khắc phục các điểm khó để chuyển đổi xanh.

Theo quyết định 896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/7/2022 Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, quy định các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến giảm 38% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030.

Hiện nay Việt Nam đã có Luật Lâm nghiệp, các quy định VNTLAS – Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp, các Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp…

Chính phủ cũng đang xây dựng các quy định để tạo hành lang pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon. Gần đây nhất là Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định cụ thể lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước.

Theo đó, đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước cũng như quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thành lập, tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Từ năm 2028 sẽ vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức.

Khi có được sự hỗ trợ của thị trường carbon, Nhà nước, các định chế ngân hàng và bảo hiểm cần vào cuộc để tạo ra cơ chế thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn, vừa tạo đầu ra có giá trị gia tăng cao, vừa thêm thu nhập từ tín chỉ carbon, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ cũng được hưởng lợi từ đó, ông Nguyễn Quốc Khanh cho biết thêm.