Internet, điện thoại thông minh, phần mềm kiểm soát tự động… đang dần trở thành lựa chọn của nhiều nông dân. Bắt nhịp kịp thời với tiến bộ khoa học công nghệ, những nông dân thời 4.0 của tỉnh Bình Phước cũng đang chuyển mình, thay đổi tư duy, cách làm để gần hơn với nền nông nghiệp thông minh nâng cao chất lượng, giá trị nông sản.
Nông dân thời công nghệ
Trên tổng diện tích hơn 40ha, trong đó có 12ha bơ, 8ha tiêu đen được trồng theo phương pháp hữu cơ được bao quanh bởi hơn 20ha cao su hơn 10 năm tuổi của anh Đặng Dương Minh Hoàng, chủ Nông trang Thiên Nông (thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập) là một trong những nông trang điển hình của tỉnh Bình Phước đang áp dụng những tiến bộ KHCN vào quản lý vườn cây, bắt kịp xu hướng nông nghiệp hiện đại.
Anh Hoàng cho biết: Vì trồng theo hướng hữu cơ nên phải tạo môi trường tự nhiên để thu hút các loài ong đến thụ phấn cho cây. Sở dĩ để hơn 20ha cao su bao quanh vườn hữu cơ nhằm ngăn thuốc BVTV từ các vườn lân cận. Nhờ vậy mà Nông trang Thiên Nông ngoài được cấp giấy chứng chỉ VietGAP còn đạt một số chứng chỉ hữu cơ, chứng nhận kiểm nghiệm đất, nước của Sở Khoa học và Công nghệ. Ngoài ra, cơ sở còn được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ thương hiệu “bơ ông Hoàng”.
Từ những thành quả sau bao năm gây dựng, theo đuổi, toàn bộ sản lượng bơ của anh được các đối tác sàn giao dịch điện tử Tiki, Lazada và một số cửa hàng trái cây sạch ở TP. Hồ Chí Minh như: Dalatfoodie, Wefarmer. Nhờ sản phẩm luôn đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm có truy xuất nguồn gốc nên hiện 1kg bơ anh bán với giá từ 50-70 nghìn đồng. Mỗi năm, anh cung cấp khoảng 60 tấn bơ cho thị trường tiềm năng này.
Không chỉ bơ mà 8ha tiêu đen trồng theo hướng hữu cơ của gia đình anh Hoàng cũng đang được Công ty Nedspice bao tiêu sản phẩm, với giá thu mua thường cao hơn khoảng 30.000 đồng so với giá thị trường. “Nông dân thời công nghệ số thì yếu tố chủ động đặc biệt quan trọng, thể hiện ở việc năng động tìm kiếm đầu ra, xây dựng thương thiệu cho sản phẩm, chủ động liên kết phát triển vùng khi có thị trường đủ lớn vì “muốn đi xa phải đi cùng nhau”, anh Hoàng khẳng định.
Xác định ngay từ ban đầu là nông nghiệp hữu cơ gắn với áp dụng KHKT trong sản xuất, nên anh Hoàng đầu tư lắp đặt pin năng lượng mặt trời để có nguồn điện năng tưới tiêu qua hệ thống tưới nước tự động đến từng gốc cây. Hệ thống camera giám sát lắp đặt khắp vườn, phần mềm định lượng, theo dõi của cây trồng đã được anh Hoàng tính toán, áp dụng. Đặc biệt anh ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc đầu vào, đầu ra của sản phẩm. “Mặc dù chi phí đầu vào cao hơn so với làm truyền thống nhưng bù lại trở thành thế mạnh khi tự quyết định được giá trị sản phẩm mình làm ra từ công nghệ số đem lại”, anh Hoàng nói.
Ngoài bơ, điều, cao su và tiêu thì cây sầu riêng trong những năm gần đây cũng được xem là loại cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp tại Bình Phước. Năm 2017, anh Nguyễn Minh Hiếu, (xã Phước Tân, huyện Phú Riềng) đầu tư trồng 2 vườn sầu riêng với diện tích 10ha đang đang bắt đầu cho trái.
Trên 2 vườn sầu riêng anh đặt hệ thống tưới tự động. Đặc biệt, anh còn xử dụng bộ điều khiển trung tâm để kiểm tra độ ẩm, độ PH trong đất, điều khiển ánh sáng tự động và xử lý thông qua chiếc điện thoại thông minh. “Đơn giản lắm, chỉ cần 1 chiếc điện thoại có kết nối mạng 3G, vài thao tác là có thể vận hành được hệ thống tưới tự động, ngay cả khi mình không có mặt tại vườn. Vừa hiệu quả, lại tiết kiệm thời gian, công sức”, anh Hiếu chia sẻ.
Hướng tới nông nghiệp xanh
Cũng theo anh Nguyễn Minh Hiếu, với cây sầu riêng khó làm theo chuẩn hữu cơ và sẽ không đạt năng suất cao, trong khi thị trường đang chấp nhận trái sầu riêng theo phương pháp truyền thống nên chỉ có thể làm theo hướng hữu cơ. “Muốn làm nông nghiệp sạch thì trước hết tâm mình phải sạch, trong quá trình chăm sóc cho cây không nên lạm dụng thuốc BVTV là được. Nhất là phải tính toán thời gian trước khi thu hoạch để đủ thời gian cách ly của thuốc BVTV”, anh Hiếu chia sẻ.
Để tiếp tục đạt mục tiêu cho vườn nông nghiệp chuẩn hữu cơ, anh Hiếu dành riêng 6ha đang trong giai đoạn chuyển đổi. “Khu vườn này đã để đất nghỉ gần 2 năm nay, mục đích là để sau những mùa mưa đất được rửa sạch. Đợi qua mùa mưa tới tôi sẽ đem đất đi kiểm nghiệm, nếu đất không còn dư lượng thuốc BVTV tôi sẽ đưa những loại cây có thể trồng được theo hướng hữu cơ, tạo ra nguồn nông sản có giá trị kinh tế cao”, anh Hiếu cho biết thêm.
Có thể nói, bên cạnh sự tham gia từ phía các doanh nghiệp lớn để hình thành các vùng sản xuất tập trung, khu nông nghiệp công nghệ cao, những người nông dân cũng đang dần thay đổi cách thức, tư duy sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ để hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững hơn.
Bắt nhịp kịp thời với tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, sự bùng nổ về công nghệ cũng tạo môi trường thuận lợi cho nông dân khi các đầu ra sản phẩm được mở rộng hơn thông qua các kênh mua bán trực tuyến…
Những trang trại tự động, nông sản được dán tem truy xuất hàng hóa, sàn giao dịch điện tử… là những thành công bước đầu của nông dân thời kỳ 4.0 khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất hàng hóa. Đây cũng là tiền đề căn bản để ngành nông nghiệp của Bình Phước được chuyên nghiệp, hiện đại hơn trong tương lai.
“Đơn giản lắm, chỉ cần 1 chiếc điện thoại có kết nối mạng 3G, vài thao tác là có thể vận hành được hệ thống tưới tự động, ngay cả khi mình không có mặt tại vườn. Vừa hiệu quả, lại tiết kiệm thời gian, công sức” Anh Nguyễn Minh Hiếu. |
Hoàng Tuấn