Phát triển hệ thống KCN phụ thuộc vào đóng góp của doanh nghiệp, trên nguyên tắc tận dụng tối đa nguồn vốn bên ngoài hướng đến chất lượng đầu tư và bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia.
TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Ban chấp hành lâm thời Liên chi hội tài chính KCN Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục ĐTNN (Bộ KH&ĐT) nhấn mạnh về vai trò của doanh nghiệp, đặc biệt là của các doanh nghiệp chủ đầu tư KCN.
Theo TS. Phan Hữu Thắng, các yếu tố cần để phát triển KCN hoàn chỉnh, hiện đại theo đúng định hướng chỉ cần gói gọn ở 4 từ “Chế -Tài – Tâm -Tầm”.
Cụ thể, chế là cơ chế quản lý nhà nước, bao gồm cả định hướng phát triển, hệ thống luật pháp chính sách và các quy định về quản lý hành chính đối với các thủ tục hành chính cần thực hiện. Tài là nguồn tài chính (nguồn tiền) cần có để đầu tư và kinh doanh.
Tâm là tâm tốt, bên cạnh lợi ích của doanh nghiệp, của cá nhân… doanh nghiệp còn cần thực hiện tốt nhất các nghĩa vụ đối với Nhà nước, đối với người lao động, với trách nhiệm xã hội cao.
Tầm là tầm nhìn của người lãnh đạo doanh nghiệp khi đánh giá và bao quát, nhận diện được xu hướng phát triển chung và tìm ra được cách tiếp cận xử lý phù hợp, hiệu quả nhất.
“Như vậy, về cơ bản phát triển một KCN có thành công hay không phụ thuộc vào doanh nghiệp, doanh nhân – chủ đầu tư là chính”, TS. Phan Hữu Thắng nói.
Vì trong cả 4 yếu tố cần có trên, về phía Nhà nước chỉ có 1 yêu cầu phải làm là gắn với từ Chế-đó là hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển KCN. Yêu cầu này rất quan trọng vì có ý nghĩa như “bà đỡ” cho sự phát triển của hệ thống KCN.
Ba yếu tố còn lại đòi hỏi phải có là “Tài- Tâm- Tầm” đều ở phía doanh nghiệp và phụ thuộc vào tài năng của người đứng đầu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, TS. Phan Hữu Thắng cho rằng dưới tác động phát triển rất nhanh của cuộc cách mạng khoa học học kỹ thuật Cách mạng 4.0 đòi hỏi các doanh nghiệp còn phải tự vươn lên để trở thành doanh nghiệp số.
Khi chuyển đổi số không còn là tầm nhìn và mục tiêu dài hạn, mà đã trở thành một thực tế bắt buộc thì các doanh nghiệp phải có được kiến thức, phương tiện kỹ thuật để tham gia vào quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung mới phát triển được mà không bị tụt hậu.
“Tóm lại, phát triển hệ thống KCN Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào sự phát triển và đóng góp của doanh nghiệp, trên nguyên tắc tận dụng tối đa nguồn vốn bên ngoài hướng đến chất lượng đầu tư và bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia”, TS. Phan Hữu Thắng bày tỏ.
Nhìn lại quá trình phát triển hệ thống KCN thời gian qua và kết quả thu hút thu hút đầu tư nước ngoài vào các KCN gần đây, TS. Phan Hữu Thắng đánh giá xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tập trung chủ yếu vào các KCN, KKT.
“Hàng năm, số lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các KCN, KKT chiếm tới 60-70% lượng vốn FDI thư hút được trong cả nước. Tỷ lệ này vẫn đang trong chiều hướng tăng lên cho thấy KCN, KKT giữ một vai trò rất quan trọng về kinh tế đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế Việt Nam”, TS. Phan Hữu Thắng nói.
Mặc dù hệ thống KCN Việt Nam đã phát triển mạnh thời gian qua, có đóng góp rất tích cực, hiệu quả đối với nền kinh tế, nhưng theo TS. Phan Hữu Thắng đến nay vẫn còn một số tồn tại cần được khắc phục sớm.
Đó là, tỷ lệ lấp đầy các KCN còn thấp, có đến 121/414 KCN vẫn đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, chưa tận dụng hết được một lượng vốn lớn về đất đai của nền kinh tế. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật của KCN đã được nâng cao nhưng chưa đủ các điều kiện cần thiết, hiện đại để cạnh tranh với các KCN trong khu vực và quốc tế.
Mô hình phát triển KCN còn theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với động lực phát triển chủ yếu dựa vào tiềm năng về đất, chưa xây dựng và phát triển được nhiều mô hình KCN mới như KCN công nghệ cao, KCN sinh thái… để tận dụng được các yếu tố thuận và đòi hỏi của các nhà đầu tư quốc tế về phát triển xanh, bảo vệ môi trường… đồng thời để đáp ứng được đòi hỏi của xu hướng phát triển kinh tế xanh của Việt Nam.
Hiện nay vẫn còn khá nhiều các tồn tại trong phát triển, quản lý các KCN, như quy hoạch phát triển các KCN tại một số địa phương chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút vốn đầu tư. Mô hình phát triển KCN còn chậm đổi mới… thiếu vắng các KCN sinh thái, KCN đô thị, dịch vụ…
Mặc dù, Nhà nước đang tập trung giải quyết các bài toán về nhà ở cho người lao động trong các KCN và nhà ở xã hội nói chung, nhưng bài toán này vẫn chưa thể giải xong “một sớm một chiều”. Chính phủ cũng đã ban hành Nghi định 35/2022 NĐ-CP ngày 28/5/2022 Quy định về quản lý KKT, KCN với các định nghĩa rõ lại các KCN.
Như khu chế xuất, KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, KCN mở rộng, Phân KCN, quy định hướng dẫn chi tiết việc hình thành, quản lý và phát triển các loại hình KCN…. Nhưng phát triển các KCN xanh để loại bỏ chất thải và giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường thì vẫn còn nhiều khó khăn nhất định.
Bên cạnh đó, vẫn còn các quy định và định hướng phát triển các KCN được đưa ra nhưng nằm rải rác trong rất nhiều văn bản pháp quy khác, trong các bộ luật liên quan như đất đai, xây dựng, môi trường, thủ tục hành chính vẫn còn cần được hoàn thiện hơn.
“Khắc phục được những hạn chế này mới có thể thúc đẩy nhanh việc phát triển các loại hình KCN có hiệu quả cao, theo đúng định hướng phát triển xanh và công nghệ cao đặt ra cho giai đoạn phát triển tới”, TS. Phan Hữu Thắng khẳng định.
Nguyễn Việt