Chuyển tới nội dung

Phát triển HTX nông nghiệp gắn với liên kết chuỗi giá trị ở Tây Nguyên

Tây Nguyên là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trong vùng đã có những mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, gắn với liên kết chuỗi giá trị. Tuy nhiên, số lượng HTX nông nghiệp của cả vùng vẫn còn rất ít, chỉ chiếm 6% tổng số HTX nông nghiệp cả nước, đặc biệt vẫn còn nhiều HTX hoạt động yếu kém vì thế chưa thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị sản phản phẩm nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Toàn vùng chỉ có 22% số HTX nông nghiệp tham gia liên kết với doanh nghiệp. Để nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng cao và bền vững cần phát triển các mô hình HTX nông nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả gắn với liên kết chuỗi giá trị.

Thực trạng phát triển HTX nông nghiệp vùng Tây Nguyên

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến hết năm 2019, cả nước có 14.757  HTX nông nghiệp. Trong đó, vùng Tây Nguyên có 886 HTX (chỉ chiếm 6% tổng số HTX nông nghiệp cả nước). Trong số 05 tỉnh vùng Tây Nguyên thì Đắk Lắk và Lâm Đồng là 02 tỉnh có số lượng HTX nông nghiệp nhiều nhất, lần lượt là 288 HTX và 229 HTX. Kon Tum là tỉnh có ít HTX nhất, chỉ có 68 HTX nông nghiệp.

Các HTX nông nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng phát triển mạnh trong lĩnh vực trồng rau, đặc biệt là trồng rau trong nhà kính, ứng dụng công nghệ cao, chăm sóc tự động, thủy canh và bước đầu ứng dụng tin học vào quản lý sản xuất như HTX Anh Đào, HTX Tân Tiến, HTX Tiến Huy, HTX An Phú; HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt. Các HTX ở Đăk Lăk, Đăk Nông phát triển mạnh trong lĩnh vực trồng cây ăn trái, cà phê, hồ tiêu, lúa, chăn nuôi heo rừng, nuôi gà thả vườn, nuôi bò vỗ béo; nuôi cá lồng; nuôi hươu, nai lấy nhung như: HTX hồ tiêu Việt ở huyện Ea H’leo; HTX Đồng Nhất sản xuất lúa, gạo hữu cơ ở huyện Lắk. Ở Gia Lai, các HTX lại phát huy tốt vai trò trong lĩnh vực trồng mía, điển hình là các HTX ở huyện Đak Pơ và Kông Chro đã đóng vai trò cầu nối trong việc thực hiện hợp đồng kinh tế giữa nông dân và các doanh nghiệp. Các HTX nông nghiệp ở Kon Tum làm tốt trong khâu cung cấp các loại giống lúa.

Số lượng HTX nông nghiệp ở Tây Nguyên giai đoạn 2013-2019. (Nguồn: Cục KTHT và PTNT- Bộ NN&PTNT, 2019).

Những tồn tại, hạn chế trong phát triển HTX nông nghiệp

Mặc dù là vùng có điều kiện phát triển HTX trong lĩnh vực sản xuất các loại cây trồng hàng hóa, tuy nhiên số lượng HTX nông nghiệp rất ít, hiệu quả hoạt động chưa cao so với yêu cầu tổ chức lại sản xuất ở vùng, hiện còn gần 66% HTXNN hoạt động trung bình, yếu kém. Do yêu cầu về sản xuất và xuất khẩu của vùng rất lớn do đó các HTX nông nghiệp giữ vai trò quan trọng tham gia vào việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhưng hiện nay phần lớn các HTX đều gặp nhiều trở ngại là thiếu nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, thiếu tư vấn của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, thiếu hệ thống bảo quản sau thu hoạch và năng lực quản trị chưa đáp ứng được yêu cầu.

Là vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu quan trọng của cả nước, song sự liên kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu. Chỉ có 22 % số HTX tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, với doanh nghiệp. Nhu cầu doanh nghiệp cần liên kết với HTX là rất lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải liên kết trực tiếp với các chủ trang trại, hộ nông dân để thu mua, tiêu thụ nông sản.

Một số HTX đã đăng ký lại theo Luật HTX năm 2012 nhưng chưa thực sự tổ chức và hoạt động đúng các quy định của Luật HTX năm 2012 như: thành viên không góp vốn, chưa ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ, chưa cấp giấy chứng nhận vốn góp, chưa điều chỉnh mức vốn góp tối đa của thành viên về 20%, thành viên không sử dụng dịch vụ của HTX, chưa thực hiện đúng quy định về cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng không phải thành viên không quá 32%.Sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa thành viên với HTX và các thành viên với nhau còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ.

Giải pháp phát triển HTX NN gắn với liên kết chuỗi giá trị

a) Tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi, thu hút doanh nghiệp

Hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với các HTX. Doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị được hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ xây dựng công trình hạ tầng, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu và các chính sách khác theo quy định.
Hỗ trợ củng cố, xây dựng, phát triển các hợp tác xã chuyên ngành để HTX đảm nhiệm cung cấp cho thành viên vật tư đầu vào, dịch vụ sản xuất; hỗ trợ và giám sát thành viên thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật. Hỗ trợ các HTX áp dụng và có chứng nhận chất lượng hoặc các chứng nhận sản phẩm bảo vệ môi trường, thương hiệu công bằng. Các hỗ trợ của nhà nước cho hộ nông dân được thực hiện thông qua HTX (khuyến nông, đào tạo, hỗ trợ bảo hiểm,…).

Đào tạo, nâng cao năng lực cho HTX để thực hiện liên kết với doanh nghiệp có hiệu quả. Thực tiễn cho thấy xu hướng các doanh nghiệp liên kết sản xuất thông qua các tổ chức nông dân như HTX là tất yếu. Do vậy, cần hỗ trợ phát triển các HTX nông nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các HTX để có các HTX mạnh, đủ sức đảm đương các công việc như tổ chức sản xuất, giảm sát thực hiện quy trình sản xuất để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong quá trình tham gia liên kết. Các nội dung hỗ trợ HTX cần tập trung vào: nâng cao năng lực quản trị; xây dựng phương án/ dự án sản xuất kinh doanh; tiếp cận và áp dụng khoa học công nghệ; năng lực về thông tin; về thương mại và tiếp cận thị trường; hỗ trợ HTX tiếp vận vốn vay ưu đãi khi thực hiện liên kết.

Tăng cường vai trò hỗ trợ, tư vấn của cơ quan chuyên môn, cơ quan dịch vụ công trong phát triển liên kết theo chuỗi giá trị. Hầu hết các mô hình liên kết thành công đều có sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước hoặc các chương trình, dự án. Các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp cần hỗ trợ cho doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân trong việc xây dựng các quy trình sản xuất, tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ tuyên truyền thay đổi nhận thức của nông dân về lợi ích khi tham gia liên kết, tuân thủ hợp đồng, sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp.

Song song với việc phát triển HTX cần xây dựng tiêu chí cho trang trại, HTX quản trị tốt. Quản trị tốt trên các khía cạnh quản trị quy trình kỹ thuật, quản trị tài chính, quản trị lao động và quản trị rủi ro. Hỗ trợ các HTX, trang trại áp dụng quy trình quản trị tốt và cấp chứng nhận cơ sở quản trị tốt. Các cơ sở được chứng nhận quản trị tốt được ưu đãi trong tiếp cận các dịch vụ tín dụng, bảo hiểm,.. Có chính sách hỗ trợ để các hộ sản xuất lớn phát triển thành trang trại. Cần có đề án phát triển trang trại cụ thể.

b) Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX, người sản xuất và các tác nhân tham gia chuỗi liên kết

Đào tạo nông dân chuyên nghiệp, có trình độ kỹ năng về kỹ thuật sản xuất, kiến thức thị trường, tổ chức và quản trị sản xuất, cơ sở sản xuất. Đổi mới phương pháp dạy nghề hiện nay để nâng cao hiệu quả của chương trình đào tạo nghề cho nông dân.

Ưu tiên tập trung đào tạo lao động nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số, lao động của các trang trại, lao động kỹ thuật của các HTX, cán bộ khuyến nông cơ sở. Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX, chủ trang trại về quản trị cơ sở sản xuất kinh doanh, kiến thức thị trường, thương mại sản phẩm, sở hữu trí tuệ.

Hỗ trợ sản xuất theo hướng áp dụng các quy trình sản xuất bền vững, an toàn, có chứng nhận. Sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là nhân tố quan trọng thu hút doanh nghiệp liên kết với HTX, hộ nông dân. Nhiều HTX cho biết doanh nghiệp đưa ra yêu cầu về chất lượng sản phẩm, yêu cầu các hộ liên kết thực hiện cùng một quy trình sản xuất. Việc áp dụng các quy trình sản xuất bền vững có thể giúp giảm chi phí sản xuất, giảm ảnh hưởng đến môi trường góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Từ năm 2018, HTX Sunfood Đà Lạt ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ gần 10 loại rau thủy canh của cơ sở Đức Tín Đà Lạt. Ảnh: Văn Việt.

c) Phát triển thương hiệu, sản phẩm có chứng nhận chất lượng

Cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm để tăng giá bán sản phẩm. Xây dựng thương hiệu chung cho cả Tây Nguyên đối với cà phê và hồ tiêu. Đẩy mạnh việc phát triển chỉ dẫn địa lý. Quản lý và khai thác tốt chứng nhận chỉ dẫn địa lý Buôn Mê Thuột cho cà phê. Sử dụng thương hiệu chung của cà phê, hồ tiêu Tây Nguyên làm công cụ để quản lý diện tích, quy hoạch vùng nguyên liệu và liên kết vùng.

Đề xuất với Chính phủ phát triển thương hiệu quốc gia cho cà phê và hồ tiêu để có sự quản lý thống nhất về chất lượng sản phẩm.
Hỗ trợ HTX xây dựng áp dụng quy trình canh tác bền vững và đăng kí, áp dụng các quy trình canh tác để có chứng nhận chất lượng như chứng nhận 4C, UTZ, VietGAP, rainforest Alliance, chứng nhận hữu cơ.

Ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp.

d) Hỗ trợ các HTX và thành viên ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm theo chuỗi giá trị

Thống nhất áp dụng các quy trình canh tác bền vững cho từng loại cây trên địa bàn Tây Nguyên. Hỗ trợ hộ nông dân, trang trại áp dụng các quy trình này. Lấy việc áp dụng các quy trình canh tác bền vững là tiêu chí bắt buộc cho các cơ sở sản xuất trong vùng quy hoạch.

Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, công nghệ sạch trong sản xuất, bảo quản, chế biến.
Ưu đãi, hỗ trợ cơ sở sản xuất ứng dụng các công nghệ tiêu tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa dưới tán cây,…). Có chính sách ưu đãi, miền giảm thuế tài nguyên nước cho các cánh đồng áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.

Ưu đãi, hỗ trợ các cơ sở áp dụng công nghệ chế biến sâu sản phẩm, tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị cao.

Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Song song với việc hỗ trợ sản xuất theo quy trình sản xuất bền vững cần hỗ trợ HTX, doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu sản phẩm (nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý); tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP). Tập huấn cho nông dân tạo thành thói quen ghi chép trong quá trình sản xuất. Hỗ trợ doanh nghiệp HTX sử dụng công nghệ blockchain, mã QR code trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

e) Xây dựng các cụm công nghiệp, nông nghiệp với cơ sở hạ tầng đồng bộ và thu hút doanh nghiệp đầu tư

Nghiên cứu xây dựng các cụm chế biến gắn với các vùng nguyên liệu tập trung, với hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở đồng bộ (đường giao thông, điện, hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường,….) để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sơ chế, bảo quản, chế biến nhằm tăng giá trị gia tăng. Quy hoạch khu chế biến tập trung đặc biệt quan trọng với chế biến cao su nhằm xử lý hóa chất, nước thải, giảm ô nhiễm môi trường.

Áp dụng chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư theo hình thức đầu tư đối tác công tư (hình thức PPP). Đặc biệt ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư vào bảo quản, chế biến nông sản, các doanh nghiệp phát triển sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu. Hỗ trợ doanh nghiệp trong hợp tác, liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu tập trung. Bảo vệ doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết với HTX theo hình thức PPP. Cùng với các ưu đãi khác thì Nhà nước bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng và bảo vệ vùng nguyên liệu, hỗ trợ phát triển HTX. Mỗi doanh nghiệp gắn liền với một hoặc vài vùng nguyên liệu cụ thể.

Trên cơ sở phát triển thương hiệu chung của cả vùng. Sử dụng thương hiệu làm công cụ trong việc quản lý diện tích, chất lượng sản phẩm và bảo vệ doanh nghiệp. Các cơ sở thu mua, chế biến nông sản phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, các quy trình để đảm bảo chất lượng, tránh việc tranh mua, tranh bán nông sản.

chuẩn chất lượng, các quy trình để đảm bảo chất lượng, tránh việc tranh mua, tranh bán nông sản.

Mô hình HTX tổ chức liên kết chuỗi khép kín từ sản xuất đến cung cấp sản phẩm rau, củ, quả sạch đến người tiêu dùng
HTX Sunfood Đà Lạt hiện có 47 thành viên là các HTX, đơn vị, doanh nghiệp sản xuất với diện tích hơn 40 ha tại các phường 5, phường 7, phường 8 của thành phố ngàn hoa Đà Lạt. Bên cạnh đó, Sunfood Đà Lạt còn liên kết với 3 công ty để cung cấp phân bón trợ giá cho người dân và bao tiêu sản phẩm nông sản nhằm giảm giá thành trong quá trình vận chuyển nhằm hỗ trợ cho người dân và các đơn vị liên kết.
Hiện Sunfood Đà Lạt có các nhóm rau thủy canh, nhóm rau củ baby, nhóm đặc sản Đà Lạt, nhóm trái cây và nhóm hoa Đà Lạt với hơn 220 sản phẩm khác nhau. Tất cả các sản phẩm này được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm đạt chuẩn VSATTP, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Đến nay Sunfood Đà Lạt đã liên kết với 22 HTX trên 20 tỉnh, thành phố, 4 công ty, 8 siêu thị, 131 cửa hàng tại 25 tỉnh, thành phố để cung ứng sản phẩm theo chuỗi.
Với tiêu chí cung cấp nông sản sạch tới người tiêu dùng và để khẳng định trách nhiệm cũng như uy tín của mình, HTX Sunfood Đà Lạt đã mua bảo hiểm cho người tiêu dùng với mức chi trả mỗi người là 50 triệu đồng/lần nếu không may bị ngộ độc khi sử dụng thực phẩm mua từ các chuỗi cửa hàng của Sunfood Đà Lạt.

TS. Nguyễn Tiến Định

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved