Han-Quoc-luon-day-manh-dau-tu-RD

Hàn Quốc luôn đẩy mạnh đầu tư RD

Quốc gia này đã nắm bắt thành công tỷ lệ lợi nhuận cao từ các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) thông qua việc bắt chước và đổi mới công nghệ. Vậy Việt Nam có thể học hỏi gì từ thành công của R&D tại Hàn Quốc.

Phát triển công nghệ ở Hàn Quốc

Xuyên suốt quá trình phát triển, chuyển giao công nghệ nước ngoài là nguồn lực chính để phát triển nền tảng kiến thức cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong những năm 1960 và 1970 – giai đoạn đầu của quá trình phát triển kinh tế, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã có được những công nghệ hoàn thiện từ các nước phát triển thông qua việc tiếp thu công nghệ nước ngoài “trọn gói” để sản xuất các sản phẩm tiêu chuẩn và được chuẩn hoá. Việc đổi mới công nghệ ở giai đoạn này chủ yếu là bắt chước, sao chép thông qua giải mã các thiết bị nhập khẩu, sự di chuyển của nhân lực hoặc học hỏi thông qua sản xuất với các liên kết cùng với các công ty đa quốc gia dọc theo chuỗi cung ứng.

Khi các doanh nghiệp Hàn Quốc dần làm chủ được việc bắt chước sao chép, sức ép cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước đang phát triển đi sau cùng với việc mức tiền lương trong nước tăng cao đã buộc các doanh nghiệp ở Hàn Quốc phải chuyển trọng tâm sang các công nghệ thâm dụng tri thức hơn. Ở giai đoạn này, các doanh nghiệp Hàn Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào chuyển giao công nghệ chính thức như FDI hoặc cấp phép của nước ngoài.

Đầu tư cho R&D tăng từ 10,6 tỷ Won năm 1971 lên 3,4 nghìn tỷ Won năm 1990. Chi tiêu cho R&D trên GDP tăng từ 0,32% lên 2,68% trong cùng thời kỳ. Khu vực tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực R&D. Tỷ lệ R&D tư nhân tăng từ 2% năm 1963 lên hơn 80% năm 1994, thuộc hàng cao nhất thế giới. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng toàn cầu hóa các hoạt động R&D của họ, cho phép nắm bắt được các đổi mới trên đường biên công nghệ và phát triển hợp tác quốc tế trong R&D.

Thực tế R&D tại Việt Nam

Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam ghi nhận sự gia tăng mạnh về số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ. Phần lớn các văn bằng bảo hộ quyền SHTT đã được cấp là dưới dạng nhãn hiệu. Theo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020, Việt Nam đạt điểm khá tốt về thương hiệu và thiết kế công nghiệp theo xuất xứ (xếp thứ 20 và 43 trên 131) trong khi bằng sáng chế theo xuất xứ khá thấp, xếp thứ 66.

Cho dù còn hạn chế nhưng tình hình chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp vẫn phát triển xét về số lượng các hợp đồng chuyển nhượng tại Việt Nam trong 10 năm qua. Ví dụ, các hoạt động chuyển giao công nghệ trong các trường đại học của Việt Nam gần đây đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được ký kết giữa các trường đại học với các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FPT, Tập đoàn SUN MicroSystems, Công ty CP Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông,…

Tuy nhiên, nhìn chung, việc thương mại hóa vẫn còn thưa thớt trong các viện nghiên cứu. Hơn nữa, việc quản lý tài sản trí tuệ ở các viện nghiên cứu chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng này dẫn đến việc hoạt động chuyển giao công nghệ không thu hút được nguồn nhân lực tham gia.

– Phó Chánh văn phòng Bộ KH&CN