Chuyển tới nội dung

Phát triển bền vững ngành sợi Việt Nam trong hội nhập quốc tế

Hội nhập quốc tế, nếu không có chiến lược chuyển đổi hợp lý, lựa chọn đầu tư đúng đắn ngành sợi Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn để phát triển bền vững.

Thách thức ngành sợi

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra mạnh mẽ đang tác động và làm thay đổi cũng như mở ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp sản xuất, trong đó có ngành sợi phát triển.

Theo đó, những lợi thế cũ trong ngành sợi như nhân công giá thấp, nguyên vật liệu truyền thống… sẽ không còn; một loạt các sản phẩm mới được nghiên cứu chế tạo thành công (đặc biệt các sản phẩm sợi tái chế).

Mặt khác, triển vọng phát triển bứt phá còn đến từ hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới như CPTPP, EVFTA, RCEP, …

e053ba87ad331737923cbc7af5852f81

Ngành sợi đang đứng trước các thách thức để phát triển bền vững

Dẫu vậy, cơ hội lớn nhưng đan xen là không ít thách thức đang đặt ra đối với ngành sợi. Như, nếu không có chiến lược chuyển đổi hợp lý, lựa chọn đầu tư không đúng đắn thì ngành sợi Việt Nam sẽ gặp trở ngại lớn trong việc duy trì sự phát triển và tồn tại.

Đồng thời, việc tìm kiếm những giải pháp góp phần giải quyết những khó khăn thúc đẩy phát triển sản phẩm sợi, phát huy được những thế mạnh tiềm năng của đất nước, đưa ngành sợi trở thành một ngành công nghiệp phát triển bền vững cũng đang là vấn đề lớn.

Ngoài ra, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước đang diễn ra trên toàn thế giới, ngành sợi sẽ gặp nhiều áp lực rất lớn khi xuất khẩu vào các thị trường trên toàn thế giới.

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã tiến hành điều tra tổng cộng 96 vụ việc điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm sợi, trong đó có 85 vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, 6 vụ việc áp dụng biện pháp tự vệ, 4 vụ việc áp dụng biện pháp chống trợ cấp và 1 vụ việc áp dụng biện pháp lẩn tránh.

Nhìn vào xu hướng chung, nếu trước đây các biện pháp phòng vệ thương mại thường xuyên được áp dụng bởi các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ,… thì trong hơn 10 năm trở lại đây, WTO đã ghi nhận số vụ việc từ các nước đang phát triển như, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan… gia tăng đột biến.

Trước các vấn đề đặt ra, để có thể phát triển bền vững ngành sợi trong bối cảnh hiện tại và tận dụng tốt các lợi thế do các Hiệp định thương mại tự do mang lại, việc nắm chắc các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại cũng như chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường xuất khẩu đang trở nên cấp thiết.

Không chỉ gặp khó khăn khi xuất khẩu, tại thị trường nội địa, ngành sản xuất sợi cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do hàng hóa nhập khẩu bán phá giá với giá rẻ đang gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước.

Số liệu thống kê về nhập khẩu cho thấy lượng nhập khẩu các sản phẩm sợi đã gia tăng nhanh trong những năm gần đây từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Indonesia. Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam hiện mới chỉ áp dụng 1 biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi polyeste nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia.

Giải pháp bảo vệ ngành sợi

Trước xu hướng gia tăng áp dụng các biện pháp pháp phòng vệ thương mại, để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, đảm bảo lợi ích hợp pháp cũng như tạo môi trường ổn định cho phát triển bền vững của ngành sợi nói riêng và dệt may nói chung, việc nghiên cứu các công cụ phòng vệ thương từ đó đưa ra các giải pháp, chính sách phù hợp là rất cần thiết.

Theo đó, Việt Nam cần chú trọng ưu tiên một số giải pháp phòng vệ thương mại cụ thể.

Thứ nhất, cần ưu tiên sử dụng các biện pháp chống bán phá giá. Hầu hết các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của các nước là các vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Các biện pháp chống bán phá giá được sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước (của nước nhập khẩu) thông qua việc áp thuế chống bán phá giá đã trở thành biện pháp hữu hiệu và phổ biến cho các nước nhập khẩu, nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng cho ngành sản xuất trong nước của nước nhập khẩu.

So với biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp ít được sử dụng hơn. Mặc dù hầu hết các thành viên WTO có nội dung quy định về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá cũng đều có cả quy định về việc điều tra, áp dụng biện pháp chống trợ cấp, nhưng số lượng các nước trên thực tế có tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp chống trợ tương đối ít so với biện pháp chống bán phá giá.

Thứ hai, tập trung theo dõi sát tình hình nhập khẩu các sản phẩm sợi filament tổng hợp. Hiện nay trong hầu hết các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, các nước có xu hướng điều tra đối với một số sản phẩm sợi như sợi filament tổng hợp (trừ chỉ khâu) chưa đóng gói để bán lẻ, kể cả sợi monofilament tổng hợp; sợi có độ bền cao làm từ ni lông hoặc làm từ polyeste, đã hoặc chưa làm dún; các sợi đơn không xoắn hoặc xoắn làm từ các polyeste, polypropylen hoặc từ ni lông; sợi xe (folded) hoặc sợi cáp; chỉ khâu làm từ xơ staple nhân tạo, đã hoặc chưa đóng gói để bán lẻ; sợi (trừ chỉ khâu) từ xơ staple nhân tạo đã hoặc chưa đóng gói để bán lẻ; Xơ staple tổng hợp chưa chải thô, chải kỹ hoặc chưa gia công cách khác để kéo sợi; sợi xenlulo nhân tạo (MMC), có nguồn gốc từ xenlulo được làm từ bột gỗ hòa tan của cây (sợi viscose hoặc sợi rayon).

Các loại sản phẩm trên là đối tượng điều tra nhiều nhất trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại do hiện nay nhu cầu của các nước đối với các loại sản phẩm đó tương đối lớn, khả năng ứng dụng cao; đồng thời việc sản xuất thu hoạch nguyên liệu sợi tự nhiên suy giảm do chịu một phần lớn tác động môi trường.

Vì vậy, ngành công nghiệp cũng đang chuyển hướng thử nghiệm các loại sợi tổng hợp có lượng nước thấp hơn, phải giặt ở nhiệt độ thấp hơn, khô nhanh chóng và hầu như không cần sấy khô hay sợi có thể được tái chế thành sợi nguyên chất (mới).

Dựa vào đó, Việt Nam cũng có thể tiến hành khảo sát, định hướng nghiên cứu xu hướng thị trường, nhu cầu tiêu dùng các loại sản phẩm sợi này trên thế giới để có thể theo dõi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại một cách chính xác đối với phạm vi sản phẩm bị điều tra.

Cơ quan điều tra có thể đưa ra các cảnh báo sớm đối với loại sản phẩm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cho các nhà sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam để chủ động ứng phó trước nguy cơ gia tăng các vụ việc điều tra đối với sản phẩm sợi trong nước.

TS. Nguyễn Hữu Trường Hưng – Trưởng phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved