Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kế hoạch này đưa ra 6 nội dung, giải pháp về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ; về phát triển kinh tế biển, ven biển; về nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Hướng tới một ngành du lịch biển bền vững
Đây là một Nghị quyết quan trọng nhằm hiện thực hoá Nghị quyết số 36 – NQ/TW với những mục tiêu và hành động rất rõ ràng. Nhìn ở góc độ kinh tế thì biển Việt Nam có một tiềm lực du lịch biển rất lớn, đây được xem là “chìa khoá vàng” để mang lại nguồn lợi kinh tế cho Việt Nam nếu các địa phương biết khai thác và phát huy.
Trao đổi với DĐDN xung quanh câu chuyện này, chuyên gia biển, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi khẳng định, với tư cách là một trong 6 lĩnh vực kinh tế biển quan trọng được xác định trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, du lịch biển và kinh tế đảo ngày càng khẳng định được vị trí của mình đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và đối với bản thân sự phát triển ngành du lịch nói riêng. Du lịch biển và kinh tế đảo, nếu phát triển đúng hướng, hiệu quả và bền vững sẽ thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển khác. Du lịch biển góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người dân và các địa phương ven biển – nơi hiện có khoảng 21 triệu người trong độ tuổi lao động và góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường biển.
“Ở Việt Nam, du lịch biển có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước”, PGS. TS Chu Hồi khẳng định.
Cũng cần nhắc lại, Nghị quyết số 36-NQ/TW (Nghị quyết 36) cũng đã xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế chủ chốt trong các ngành kinh tế biển, đồng thời chỉ ra nhiều nội dung quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch biển bao gồm du lịch ven biển, biển và đảo.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã coi phát triển sản phẩm du lịch là giải pháp quan trọng hàng đầu, trong đó hướng ưu tiên lớn nhất là tập trung phát triển dòng sản phẩm du lịch biển, đảo. Với các thế mạnh nổi trội về tiềm năng du lịch biển, các sản phẩm du lịch biển đảo trong tương lai sẽ mang đến cơ hội cạnh tranh, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, và điều này cũng đặt ra nhu cầu không chỉ cao hơn, mà còn bắt buộc về bảo vệ môi trường đối với ngành du lịch.
Việt Nam có một trung tâm du lịch biển – ven biển – đảo lớn đã được thành lập với vị trí địa lý thuận lợi, khả năng liên kết vùng lớn, nguồn khách du lịch đông, như: Quảng Ninh – Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế – Đà Nẵng, Khánh Hòa – Bình Thuận, Vũng Tàu – Côn Đảo và Phú Quốc – Hà Tiên. Có thể nói, nếu xét cả về địa lý, khí hậu, hải văn, thế giới sinh vật, văn hoá…đều phù hợp để phát triển du lịch biển.
Mặc dù nhiều tiềm năng du lịch biển đặc sắc, đặc biệt là hệ thống đảo ven bờ chưa được đầu tư khai thác tương xứng và các giá trị văn hóa biển đảo “bản địa” chưa được lồng ghép vào các hoạt động du lịch biển, nhưng ở khu vực ven biển đã phát triển khoảng 70% các điểm du lịch trong cả nước, hàng năm thu hút bình quân 70% lượng khách du lịch trong và ngoài nước. Thu nhập từ hoạt động du lịch biển chiếm tỷ trọng cao trong thu nhập du lịch cả nước. Điều này đã khẳng định vai trò của du lịch biển đối với sự phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam.
Bảo vệ môi trường để phát huy kinh tế biển
Nghị quyết số 08-NQ/TW cũng nói rõ, đến năm 2020, thu hút được 17 – 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, hệ thống sản phẩm du lịch biển được ưu tiên phát triển mạnh: có khả năng cạnh tranh trong khu vực về nghỉ dưỡng biển, tham quan thắng cảnh biển, hệ sinh thái biển. Khai thác hệ thống đảo ven bờ phục vụ phát triển du lịch. Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, theo PGS. TS Chu Hồi, biển Việt Nam này đang phải đối mặt với các thách thức ngày càng tăng về môi trường, tài nguyên biển liên quan đến an toàn, an ninh và cách ứng xử tiêu cực của con người. Có thể thấy, các hoạt động khai thác quá mức nguồn lợi hải sản; sự gia tăng các hành vi hủy hoại môi trường; sự mất dần các rạn san hô ở các cụm đảo san hô ngoài khơi và ven bờ; nguy cơ xả thải rác, nhất là rác thải nhựa và nhận chìm các loại chất thải,… đã và đang xảy ra với tốc độ đáng lo ngại. Điều này đã tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái biển nước ta và tác động trực tiếp đến các hoạt động du lịch biển.
“Cho nên, bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển, duy trì nguồn vốn tự nhiên biển để bảo đảm phát triển bền vững kinh tế biển, trong đó có du lịch biển, là một nhu cầu thực tế cấp thiết. Đây là con đường được Việt Nam lựa chọn để phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững, góp phần xây dựng một vùng biển thịnh vượng, hòa bình và ổn định.” PGS, TS Chu Hồi nói.
Nếu nhìn từ góc độ môi trường, du lịch biển vừa là “Nạn nhân” vừa là “Thủ phạm”. Nạn nhân vì luôn chịu tác động của môi trường chung quanh, thủ phạm vì bản thân ngành “công nghiệp không khói” này cũng thải ra môi trường chung quanh nhiều chất thải và đối khi trực tiếp hủy hoại các giá trị bảo tồn tự nhiên và văn hóa.
Lượng chất thải đổ vào biển thông qua hoạt động nhận chìm hợp pháp và bất hợp pháp ngày càng nhiều và gia tăng về số vụ ở các vùng nước ven bờ và không ngừng tăng qua các năm. Điều này đồng nghĩa với việc biển nước ta đang bị “đầu độc” bởi các sự cố môi trường và hậu quả sẽ “khôn lường”. Chỉ riêng các hoạt động du lịch ven biển đã thải ra 32.273 tấn rác và 4.817.000 m3 nước thải một năm. Với tổng diện tích nuôi tôm hơn 600 nghìn ha, mỗi năm sẽ thải ra môi trường gần 3 triệu tấn chất thải rắn. Riêng lượng thải tại các tỉnh ven biển: chất thải rắn 5.200-10.300 tấn/ngày (bao gồm rác thải nhựa), nước thải 11,8 triệu tấn/ngày và dầu mỡ 150-440 tấn/ngày.
Việc quản lý lượng xả thải ra biển từ các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất ven biển đang bộc lộ yếu kém và sự cố môi trường ven biển xảy ra thường xuyên ở quy mô khác nhau. Điển hình là sự cố xả thải ra biển tháng 4 năm 2016 của Công ty thép Hưng Nghiệp Đài Loan (Formosa) ở Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) của Việt Nam, gây hậu quả nghiêm trọng cho 4 tỉnh ven biển bắc Trung bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế) do ô nhiễm vùng biển ven bờ và làm suy thoái gần 50% diện tích rạn san hô ở độ sâu 10-20m do keo Phenol lẫn Xianua, khiến cho cá chết hàng loạt. Đến nay, cá kích thước nhỏ và các động vật đáy cỡ lớn trên các rạn san hô đã có dấu hiệu phục hồi tích cực. Ngoài thủy sản, du lịch ở 4 tỉnh miền Trung cũng bị ảnh hưởng trực tiếp và chịu thiệt hại không nhỏ. Hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện khá nhiều ở vùng biển ven bờ các nước trong khu vực ven biển. Ví dụ, ở vùng biển Nam Trung Bộ dọc các bãi biển của tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận thủy triều đỏ gây ra các hậu quả khá nghiêm trọng đến tài nguyên sinh vật và môi trường. Nguyên nhân chủ yếu có liên quan tới hoạt động thủy sản, du lịch, đô thị hóa, nông nghiệp, công nghiệp,… đem đến lượng chất thải hữu cơ và dinh dưỡng quá nhiều trong nước (hiện tượng phì dưỡng).
6 giải pháp bảo vệ môi trường biển gắn với phát triển du lịch bền vững
Theo PGS. TS Chu Hồi, để đảm bảo phát triển du lịch biển bền vững, cần chú ý một số giải pháp bảo vệ môi trường sau:
Thứ nhất, Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó nhấn mạnh đến những quy định mới về du lịch có trách nhiệm, cụ thể hóa về du lịch bền vững, chi trả dịch vụ môi trường hệ sinh thái (đối tượng là khách du lịch), phát triển du lịch dựa vào hệ sinh thái, dựa vào tự nhiên, tăng cường chế tài xử phạt vi phạm môi trường,…;
Thứ hai, tổ chức lại không gian phát triển các khu du lịch, các điểm đến trên cơ sở tiếp cận liên ngành và lồng ghép bảo vệ môi trường, đảm bảo tính khoa học, tính đồng bộ, giảm chồng chéo và xung đột trong hoạt động phát triển du lịch và bảo vệ môi trường trong cùng một vùng biển;
Thứ ba, tăng cường năng lực quản lý môi trường trong các khu du lịch, khu bảo tồn biển, ven biển và đảo; ngành du lịch là người sử dụng các khu bảo tồn thiên nhiên biển, nhưng lại chưa tham gia nhiều trong hoạt động bảo tồn này;… Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác môi trường; Trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả hoạt động của các lực lượng này;
Thư tư, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường (thường xuyên, định kỳ, đột xuất) và kiểm soát hiệu quả các điểm đến (destination) để giảm “du lịch nóng” dễ gây ô nhiễm môi trường; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường trong kinh doanh dịch vụ du lịch. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội và du khách nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức và chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường, phát triển du lịch biển bền vững;
Thứ năm, cải thiện sinh kế cho người dân ở trong và lân cận khu du lịch, các điểm đến để họ chủ động tham gia bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Chú trọng phát triển dịch vụ du lịch tại địa phương, hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch dựa vào cộng đồng.
Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch bền vững. Xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sáchkhuyến khích và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư của các nước, các nhà tài trợ và doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế vào phát triển du lịch biển bền vững ở nước ta.