Chuyển tới nội dung

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19?

Sự chững lại của kinh tế do dịch COVID-19 đã làm đảo lộn kế hoạch tài chính của nhiều doanh nghiệp, kể cả kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Thị trường nợ của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay ghi nhận sự hạn chế phát hành của các doanh nghiệp với công cụ trái phiếu. Điều này đi ngược với xu thế đã diễn ra ở năm 2019 khi trái phiếu là kênh gọi vốn chính là của nhiều doanh nghiệp.

Ghi nhận từ SSI Research cho thấy, trong tháng 2/2020 có 15 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng lượng phát hành là 5.574 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản phát hành 4.025 tỷ đồng, chiếm 72% lượng phát hành trong tháng. Lượng phát hành tháng 2 thu hẹp, chỉ bằng 41% lượng phát hành trong tháng 1/2020 dù số ngày làm việc nhiều hơn do tháng 1 có kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Điều này cho thấy phần nào ảnh hưởng của dịch bệnh đến kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp.

Cơ cấu phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Đáng chú ý trong số các doanh nghiệp đã phát hành là CTCP Đầu tư Phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam phát hành 1.943 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm chia làm 40 lô phát hành và là tổ chức phát hành nhiều nhất trong tháng 2/2020. Trước đó, trong tháng 1/2020, doanh nghiệp này cũng đã phát hành 1.441 tỷ đồng trái phiếu 3 năm chia làm 30 lô. Toàn bộ đều có lãi suất cố định là 10,9%/năm và bên mua là các cá nhân trong nước. Riêng năm 2019, doanh nghiệp này phát hành 5.345 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn bình quân 2,81 năm, lãi suất trái phiếu bình quân 10,26%.

SSI cũng thống kê mức lãi suất bình quân các lô phát hành trái phiếu bất động sản trong tháng 2 là 11%/năm, giảm so với mức bình quân 11,73% của tháng 1/2020. Trong đó, lô phát hành có lãi suất cao nhất (12%/năm) là 50 tỷ đồng kỳ hạn 1 năm của CTCP Đầu tư và Phát Triển Ánh Dương Hòa Bình.

Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành 2 tháng đầu năm 2020 là 19.398 tỷ đồng kỳ hạn bình quân 4,75 năm, lãi suất bình quân là 10,07%/năm. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 11.639 tỷ đồng (chiếm 60%). Nhóm doanh nghiệp khác phát hành 6.001 tỷ đồng (chiếm 31%) bao gồm Sovico phát hành 2.000 tỷ đồng, CTCP ô tô Trường Hải phát hành 2.000 tỷ đồng, Vinfast phát hành 950 tỷ đồng…

Riêng khối ngân hàng chỉ có 2 NHTM phát hành trái phiếu là ngân hàng Á Châu-ACB (230 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm) và Tienphong Bank -TPB (552 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm) đều là các trái phiếu đủ tiêu chuẩn tính vào vốn cấp 2.

Các nhà đầu tư cá nhân mua 2.572 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 2, lũy kế 2 tháng 2020 mua 4.926 tỷ đồng, trong đó mua trái phiếu bất động sản là 4.115 tỷ đồng, còn lại là mua trái phiếu TPB.

Năm 2019, ACB đứng thứ ba về lượng trái phiếu phát hành trên thị trường của nhóm ngân hàng, sau BID và VPBank với giá trị phát hành đạt 11.950 tỷ đồng, kỳ hạn bình quân 2,97 năm, lãi suất 6,80%. TPB đứng vị trí thứ 16 trong nhóm 18 ngân hàng có lượng phát hành trái phiếu lớn. Cụ thể TPB đã phát hành nợ và huy động được 267 tỷ đồng, kỳ hạn dài bình quân 7,38 năm với lãi suất bình quân khá cao 9,51% so với kỳ hạn.

Theo kế hoạch trong năm nay, nếu không có sự thay đổi do tác động của COVID-19, ngân hàng và bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục là những nhà “cầm chịch” cuộc phát hành công cụ nợ trị giá lớn trên thị trường trái phiếu.

Các chuyên gia dự đoán với tình hình tuột dốc của thị trường vốn cổ phần và hàng hóa phái sinh, nhiều lĩnh vực kinh doanh gặp khó khăn, kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng tất yếu sẽ có sự chững lại. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp lớn có tài sản có giá trị lớn hoặc các doanh nghiệp có sự trợ lực của nhóm công ty tư vấn phát hành trái phiếu, vẫn sẽ tìm phương thức huy động qua kênh này để hỗ trợ tháo gỡ các bài toán tài chính của mình.

Lê Mỹ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved