Một Châu Âu đoàn kết, một NATO ngày càng nhiều thành viên là điều mà Tổng thống Nga Putin không hề muốn đối diện.
Sau tiến trình đàm phán ngắn nhất có thể, Phần Lan, quốc gia ở Bắc Âu, chính thức trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)- một liên minh quân sự có cơ chế can thiệp bảo vệ lẫn nhau bằng vũ lực.
Đây có thể coi là thành công của Mỹ trong chiến lược ngăn chặn Nga. NATO vẫn không ngừng phát triển mở mang ảnh hưởng lần lượt từ Đông Âu sang Bắc Âu xung quanh nước Nga, quyến rũ cả những quốc gia hàng trăm năm duy trì chính sách trung lập như một đặc điểm của thịnh vượng.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu: “Tôi muốn nói rằng đây có lẽ là điều duy nhất chúng tôi có thể cảm ơn ông Putin, bởi vì một lần nữa ông ấy đã thúc đẩy điều mà ông ấy tuyên bố muốn ngăn chặn bằng hành động gây hấn của Nga”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày cho rằng đây là hành động “xâm phạm” an ninh Nga, và Moscow sẽ buộc phải thực hiện “các biện pháp đối phó”.
Sau khi Nga mang quân đến Ukraine, rất nhiều quốc gia lân cận không khỏi lo ngại một ngày nào đó trở thành nạn nhân như Ukraine. Một cuộc tháo chạy về ý thức hệ, chính sách đối ngoại, phòng thủ đã vượt ra khỏi không gian địa lý vùng Đông Âu, hướng về phía Tây.
Với các nước thịnh vượng nhưng quy mô nhỏ, quân đội hạn chế, việc trả một khoản chi phí vài tỷ USD mỗi năm để được bảo vệ an ninh từ vài chục đồng minh NATO là lựa chọn thiết thực.
Không thể không nói rằng, sự “khác biệt” đáng ngại của nước Nga dưới thời Tổng thống Putin khiến họ mất đi sự tin cậy trong mắt những quốc gia láng giềng từng có chung vận mệnh. Tại sao Moscow không thể chủ trì một liên minh đa phương trong khu vực?
Ý tưởng phục dựng lại quá khứ huy hoàng của đại quốc Nga là mối lo với khu vực, trong khi đó ông Putin thúc đẩy hành động bằng động lực coi NATO, Mỹ là mối đe dọa với an ninh quốc gia. Việc làm thay đổi một chính thể trung lập lâu đời như Phần Lan không khác gì tạo thêm một đối thủ cùng chung 1.300km đường biên giới.
Khi vũ khí Mỹ ngày càng áp sát lãnh thổ Nga thì nguy cơ xung đột vũ trang tăng lên đáng kể, biển Baltic trở thành vùng không gian “nhạy cảm”, và sẽ còn ngột ngạt hơn nếu Thụy Điển được phê duyệt gia nhập NATO trong thời gian tới.
Cố nhiên, sự hồi sinh mạnh mẽ của liên minh quân sự hàng đầu thế giới như NATO là chỉ dấu không lành mạnh với hòa bình và ổn định ở châu Âu. Mục đích và lý do của NATO suy cho cùng là chiến tranh, xung đột, qua đó giúp Mỹ tìm kiếm lợi ích trước mắt và lâu dài để duy trì trạng thái đơn cực.
Trương Khắc Trà