Chuyển tới nội dung

Phân khúc bất động sản nào sẽ “bứt phá” sau đại dịch?

Các chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản công nghiệp sẽ chịu ít tác động nhất và nhiều tiềm năng bứt phá sau đợt bùng phát mới của dịch COVID-19.

Bất động sản công nghiệp vẫn “giữ phong độ” và là phân khúc có nhiều tiềm năng “bứt phá” sau đại dịch (Ảnh: Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền)

Theo báo cáo thị trường quý II/2020 của Savills Việt Nam, thị trường căn hộ ở TP.HCM đạt 2.100 căn từ 4 dự án mở bán mới và 10 dự án giai đoạn tiếp theo, giảm 55% theo quý và 74% theo năm. Trong khi đó, tại Hà Nội cũng chỉ 5 dự án mới, đây là một con số rất khiêm tốn với một thị trường sôi động như thủ đô.

Về thị trường văn phòng, mặc dù đại dịch không tác động quá nhiều đến tỷ lệ lấp đầy của các tòa nhà, tuy nhiên các dự án mới lại có phầm chậm lại do thời gian giãn cách xã hội, dự kiến nguồn cung mới trong cuối năm không thực sự bùng nổ.

Trong khi đó, thị trường khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng lại chứng kiện sự tác động nặng nề bởi đại dịch. Theo báo cáo của Savills, tại thị trường TP.HCM, không như kỳ vọng của những chuyên gia trước đó, công suất phòng quý II chỉ đạt 12%, giá phòng trung bình giảm 21% so với quý I. Trên toàn thị trường TP.HCM, nguồn cung khách sạn giảm 23% bởi nhiều khách sạn tạm thời đóng cửa trong thời gian qua.

Cũng theo báo cáo của Savills, tại Hà Nội, 2 khách sạn 4 sao và 8 khách sạn 3 sao, chủ yếu ở khu vực trung tâm vẫn tiếp tục đóng cửa. Công suất khách sạn 3-5 sao là 21%, giảm 23% theo quý và 52% theo năm.

Bất động sản nghỉ dưỡng đặc biệt là condotel dường như không thể trụ nổi bởi những lùm xùm về tính pháp lý cũng như sự tác động từ vụ vỡ trận cam kết lợi nhuận trước đó.

Tuy nhiên, ở lĩnh vực bất động sản công nghiệp, báo cáo của Real Capital Anlytics cho thấy phân khúc này chỉ giảm 24% và còn rất nhiều tiềm năng để phục hồi cao sau đại dịch.

Theo bà Từ Thị Hồng An – Giám đốc Bộ phận cho thuê Thương mại Savills Việt Nam, chỉ trong 6 tháng đầu năm, chỉ riêng TP.HCM đã thu hút 2 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mặc dù con số này giảm 35% so với cùng kỳ năm trước, TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến.

Đặc biệt, số liệu của đơn vị này cũng cho biết hiện tại cả nước ta có 336 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 97.800 ha. Trong đó, 261 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 còn lại đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và bắt đầu xây dựng. Công suất thuê đạt 76% trên tổng các khu công nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc.

Nhà máy sơn Jotun Việt Nam (Tập đoàn sơn Jotun) đang được xây dựng tại huyện Nhà Bè, TP.HCM

Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết: “Với nguồn cầu tiếp tục vượt quá nguồn cung, có thể thấy rõ sự cần thiết của việc tăng số lượng nguồn cung tại các khu vực công nghiệp trọng điểm. Công suất thuê các vùng trọng điểm tại phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, và phía Bắc như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng đã gia tăng đáng kể từ năm 2018”.

Một khảo sát toàn cầu của Savills tháng 6 năm 2020 cho thấy, Việt Nam dẫn đầu về tiềm năng thu hút các tập đoàn toàn cầu dịch chuyển sản xuất nhờ vào khả năng cạnh tranh về chi phí hoạt động thấp cùng với cơ sở sản xuất ngày càng phát triển và hiện đại.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Vinh – Giám đốc Công ty TNHH Nhật Quang cho rằng, mặc dù những thách thức rất lớn kể từ khi xuất phát từ dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên Việt Nam lại đang đứng trước cơ hội lớn và không chỉ đơn thuần là trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới về đầu tư nước ngoài (FDI) dồi dào tại các khu công nghiệp mà còn khiến cho thị trường bất động sản khu vực này trở nên sôi động hơn, nếu không muốn nói là “sau nhiều năm trầm lắng”. Đặc biệt là khu vực phía Nam như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An…

Nhà xưởng xây sẵn đang là sự tìm kiếm hàng đầu của nhà đầu tư ngoại ở thị trường Việt Nam

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh cơ hội lớn thì thách thức cũng sẽ rất lớn. Sức hấp dẫn của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố như: Chi phí lao động thấp; giá thuê đất hợp lý; thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi…

Thế nhưng, thực trạng về sự phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam nói chung và khu vực phía Nam nói riêng còn khá nhiều bất cập. “Phát triển hạ tầng kết nối đa phương tiện, nâng cấp hạ tầng nhà xưởng và các định hướng chính sách của nhà nước cần rõ ràng và đủ mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư cũng như thúc đẩy thị trường phát triển” – vị chuyên gia lưu ý.

 

Lam Châu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved