Chuyển tới nội dung

“Phác họa” tương lai ngành bán lẻ

Liệu thương mại điện tử có hoàn toàn vượt trội so với thương mại truyền thống, và các cửa hàng vật lý truyền thống còn có tương lai hay không?

Sở hữu một lượng lớn cửa hàng vật lý với chi phí duy trì cao hơn hẳn các trang thương mại điện tử, nhưng các chuỗi cửa hàng lớn của Thế Giới Di Động có thể tiếp cận trực tiếp khách hàng gần như ở khắp mọi nơi.

Giai đoạn 2010-2020 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Chỉ cần ngồi tại nhà, khách hàng có thể tiếp cận hàng triệu sản phẩm khác nhau trên trang web, đọc bình luận, so sánh giá, mua hàng rồi được giao ngay đến nhà. Nhưng liệu thương mại điện tử có hoàn toàn vượt trội so với thương mại truyền thống, và các cửa hàng vật lý truyền thống còn có tương lai hay không?

Tối ưu hóa chi phí

Tuy các trang bán hàng trực tuyến có ưu điểm về độ tiện lợi, nhưng trên thực tế, vũ khí mạnh mẽ nhất của họ lại là chi phí và giá bán. Đối với rất nhiều sản phẩm, khách hàng có thể ra tận cửa hàng bày bán sản phẩm để trải nghiệm, ví dụ như ra nhà sách để đọc thử, hay vào cửa hàng điện máy để xem thử chiếc tủ lạnh…

Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm xong, khách hàng không mua ngay ở cửa hàng, mà bắt đầu đặt đơn hàng trên Tiki hoặc Shopee vì… giá rẻ. Rõ ràng, hành vi phổ biến này cho thấy các sàn thương mại điện tử thu hút ở giá bán, chứ không phải lúc nào cũng là độ tiện dụng: Khách ra cửa hàng rồi đặt trên trang thương mại điện tử còn tốn công hơn nhiều so với phương án mua ngay tại cửa hàng!.

Về bản chất, ưu thế về giá của các sàn thương mại điện tử thường được diễn giải là do chi phí cố định thấp vì không cần duy trì mặt bằng và nhân viên tại cửa hàng. Thay vì bố trí nhiều cửa hàng nhỏ để tiếp khách, các trang thương mại điện tử, như Tiki… thường tập trung hàng về một tổng kho ở các thành phố lớn (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…) rồi giao cho khách khi có đơn hàng; còn các trang như Shopee thường chỉ làm nhiệm vụ đăng bán, và mỗi nhà bán sẽ tự giao hàng ở kho của chính họ khi có khách.

Thoạt trông, phương pháp này làm chi phí của sàn thương mại điện tử cắt giảm nhiều, từ đó giá bán cũng giảm theo. Tuy nhiên, như một quy luật, ở cùng một trình độ như nhau, chi phí thấp hơn đồng nghĩa với việc có một số tính năng bị cắt giảm. Hay nói cách khác, các cửa hàng vật lý đang có một đặc điểm khiến các trang thương mại điện tử chưa thể loại bỏ họ hoàn toàn.

Độ phủ và điểm chạm

Ưu điểm của thương mại truyền thống chính là độ phủ và điểm chạm. Sở hữu một lượng lớn cửa hàng vật lý với chi phí duy trì cao hơn hẳn các trang thương mại điện tử, nhưng bù lại, các chuỗi cửa hàng lớn, như Thế Giới Di Động, Fahasa, hay Con Cưng lại có thể tiếp cận trực tiếp khách hàng gần như ở khắp mọi nơi. Hơn nữa, do độ phủ rộng khắp, các cửa hàng thuộc chuỗi lại đóng vai trò như những nhà kho nhỏ, khiến cho khoảng cách giữa họ và khách hàng ngắn hơn rất nhiều khoảng cách giữa nhà kho của trang thương mại điện tử và khách hàng.

Vậy thì ưu điểm này sẽ hiệu quả như thế nào? Chẳng hạn, bạn sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, còn cha mẹ hiện đang sống tại Kiên Giang. Một ngày nọ, bạn biết được rằng cha mẹ mình đang cần mua một chiếc tivi mới, nhưng lại rất ngại do không hiểu biết về công nghệ.

Hiện tại, bạn có hai lựa chọn. Lựa chọn đầu tiên là lên các trang thương mại điện tử, chọn chiếc tivi mà bạn nghĩ là phù hợp nhất, rồi đặt hàng. Tivi sẽ được giao từ kho Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc kho gần nhất là Cần Thơ trong trường hợp tại đây có hàng. Sau 5 ngày, hàng về tận nhà, nhưng không có người hỗ trợ lắp đặt, do cha mẹ bạn ở quá xa.

Lựa chọn thứ hai, bạn có thể ra cửa hàng Điện Máy Xanh gần nhất và trải nghiệm các loại tivi, rồi chọn chiếc ưng ý nhất. Sau khi bạn làm lệnh đặt hàng giao về Kiên Giang và thanh toán ở cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh, cửa hàng Điện Máy Xanh tại Kiên Giang sẽ cử nhân viên giao hàng và lắp đặt trực tiếp cho cha mẹ bạn chỉ trong vòng 1-2 ngày. Trong trường hợp có hỏng hóc, bạn cũng không cần chờ gửi hàng về Thành phố Hồ Chí Minh, mà có thể bảo hành ngay tại địa phương.

Như vậy, trừ những địa chỉ nhận hàng gần các kho của trang thương mại điện tử, thì ở phần còn lại, chuỗi cửa hàng vật lý có ưu thế riêng của họ. Nhất cự ly, nhì tốc độ, mô hình tiết kiệm chi phí bằng tổng kho không thể nào vượt trội hoàn toàn chuỗi cửa hàng trải khắp đất nước với khả năng tiếp cận khách hàng vô cùng nhanh chóng.

Ranh giới xóa nhòa

Như vậy, từng mô hình có ưu điểm riêng. Và với những doanh nghiệp lớn, không có lý do gì khiến họ không phối hợp các ưu điểm của cả hai mô hình.

Vào đại hội cổ đông thường niên năm 2020 của MWG, ông Nguyễn Đức Tài đã dự báo về một tương lai không còn ranh giới rõ ràng giữa kinh doanh trực tuyến và kinh doanh truyền thống. “Sẽ không còn sự phân biệt giữa các hình thức bán lẻ. Các nhà bán lẻ trực tuyến sẽ phải mở mạng lưới để “chạm” khách hàng, và nhà bán lẻ truyền thống buộc phải mở bán trực tuyến để tiếp cận được những khách hàng thế hệ mới”, ông Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh.

Có lẽ mọi lời dự báo về việc kinh doanh trực tuyến sẽ chiến thắng kinh doanh truyền thống và ngược lại, đều không đúng. Cả kinh doanh truyền thống và trực tuyến đơn thuần đều sẽ chết, nếu doanh nghiệp không biết kết hợp tối ưu cả 2 mô hình này. Do đó, nếu không nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh, doanh nghiệp sẽ chỉ còn là quá khứ.

Tử Kì

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved