Nhà lắp ráp iPhone của Apple, Pegatron đã nhấn mạnh việc mở rộng sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc sau khi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của chính quyền Bắc Kinh vì COVID-19.

Pegatron

Một nhà máy của Pegatron.

“Chúng tôi đã phải đối mặt với sự kiểm soát của COVID trong hai tháng qua. Chúng tôi không thể đánh giá trước điều gì, vì vậy việc mở rộng của chúng tôi ở Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia và Bắc Mỹ có thể là điều cần thiết”, CEO Liao Syh Jang của Pegatron cho biết.

Bên cạnh đó, Liao Syh-jang cũng cho rằng, công ty đang tìm cách giải quyết tình trạng thiếu lao động và khoảng cách giữa mùa cao điểm và thấp điểm, đồng thời tăng cường công suất. Pegatron là một trong ba nhà cung cấp iPhone của Apple cùng với Foxconn và Wistron.

Vào tháng 4, công ty Đài Loan đã phải đình chỉ hoạt động tại các nhà máy ở Thượng Hải và Côn Sơn ở Trung Quốc do việc phong tỏa nghiêm ngặt trong phòng chống COVID-19 của Trung Quốc. Điều này đã ảnh hưởng đặc biệt đến sản xuất và giao hàng của họ.

Gần đây, mặc dù Trung Quốc đã dỡ bỏ các hạn chế, nhưng Pegatron vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động gây ra bởi các hạn chế.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Pegatron Tzu-Hsien Tung cho rằng khách hàng của công ty có “những lý do khác nhau” để đặt nhà máy ở Việt Nam, Ấn Độ và Mexico. Một trong những lý do được cho là liên quan đến vấn đề laop động, việc thuê nhân lực ở Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn hơn trong vài năm qua.

Bước chuẩn bị của Pegatron

Trên thực tế, Pegatron đã nghiên cứu mở rộng sang Việt Nam từ năm 2020 và đang xây dựng một nhà máy với tổng vốn đầu tư khoảng 481 triệu USD tại Hải Phòng. Và trong giai đoạn 2026 – 2027, công ty sẽ tiếp tục triển khai dự án với tổng vốn đầu tư lên đến 500 triệu USD.

pegatron11

Công ty TNHH Pegatron Việt Nam tại Hải Phòng.

Đặc biệt, ngoài các dự án sản xuất linh kiện và các sản phẩm điện tử, Pegatron cũng đang có ý định chuyển trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) từ Trung Quốc về Việt Nam vào một thời điểm thích hợp.

Có thể thấy, không chỉ đơn thuần là đầu tư nhà máy sản xuất, Pegatron đang có những bước đi tương tự như những gì Samsung đang làm ở Việt Nam. Theo các nhà quan sát, Pegatron đã rục rịch lên kế hoạch dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc từ cuối năm 2019.

Có nhiều lý do khiến tập đoàn này muốn đi khỏi Trung Quốc, thứ nhất để tránh sự ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ – Trung, thứ hai là sự thiếu hụt lao động cùng giá nhân công ngày một leo thang tại Trung Quốc đang là những rào cản lớn cho sự gắn bó của Pegatron tại đây.

Bên cạnh đó, gần đây việc Apple đang ngày càng “thúc ép” các nhà cung ứng đến Việt Nam mở nhà máy, điển hình là Foxconn, nhà cung cấp lớn nhất cho Apple cũng đang có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Tất cả điều đó đã khiến Pegatron bắt buộc phải chuẩn bị cho những kế hoạch di chuyển sản xuất sang Việt Nam hoặc một số nước khác ngoài Trung Quốc.

Trước đó, vào tháng 5 năm 2019, Pegatron cũng đã lên kế hoạch đầu tư 300 triệu USD vào một nhà máy ở Indonesia để sản xuất các thiết bị gia đình thông minh. Liên tiếp sau đó là rất nhiều thông tin liên quan đến việc Pegatron đầu tư các nhà máy mới ở Indonesia hoặc Ấn Độ, với quy mô cũng lên tới cả tỷ USD. Và tất nhiên, tất cả các kế hoạch này đều gắn liền với các sản phẩm iPhone của Apple. Pegatron hiện đang là nhà cung cấp lên tới 30% linh kiện cho Apple.

Theo các chuyên gia, động thái này phù hợp với chính sách “không bỏ tất cả trứng vào một giỏ” và chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Apple, hiện đang bị tập trung ở Trung Quốc. Và một phần lớn trong số đó, dự kiến sẽ đổ bộ vào Ấn Độ, Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

Việt Nam có thể sẽ là một điểm đến lý tưởng cho các nhà sản xuất của Đài Loan. Không phải ngẫu nhiên mà CEO Liao SyhJang từng phát biểu: “Chúng tôi chuyển đến Việt Nam do yêu cầu của khách hàng. Nhưng, công nghiệp điện tử ở đó đã phát triển và lại gần nơi cung cấp linh kiện từ Trung Quốc”.

Nguyễn Chuẩn