Việt Nam chưa bị áp thuế tự vệ khi xuất khẩu vào thị trường này, nhưng sản phẩm ống hàn từ thép không gỉ thuộc diện vẫn bị theo dõi sát sao.
Theo thông tin Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhận được, Ủy ban Kinh tế Á-Âu (EEC) đã hoàn tất quá trình điều tra tự vệ đối với sản phẩm ống hàn từ thép không gỉ vào ngày 3/1/2020, nhưng chưa ban hành kết luận vụ việc. Đây là vụ việc EEC đã khởi xướng điều tra từ ngày 4/3/2019.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết, sản phẩm bị điều tra là ống thép hàn không gỉ gồm các mã HS: (7306 40 2009, 7306 40 8001, 7306 40 8008, 7306 61 1009 và 7306 69 1009.- Thời kỳ điều tra: 2015 – 2017.
EEC cáo buộc rằng, trong giai đoạn 2015-2017 và 9 tháng đầu năm 2019 đã có sự gia tăng lượng nhập khẩu các sản phẩm bị điều tra vào các thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu cả về mặt tuyệt đối và tương đối, dẫn đến việc sụt giảm thị phần và gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa.
Ngoài ra, EEC cũng đưa ra cáo buộc về sự đe dọa thiệt hại trong tương lai do các thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu lo ngại ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng dư thừa thép, sự phát triển của các biện pháp an ninh đặc biệt và chống bán phá giá với các sản phẩm thép trong giai đoạn 2015-2017 (đặc biệt là biện pháp theo mục 232 của Hoa Kỳ với thép) có thể dẫn đến phân phối lại việc nhập khẩu thép trên thị trường thế giới, bao gồm cả thị trường của các thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu.
Trong vụ việc này, qua đánh giá sơ bộ, lượng xuất khẩu sản phẩm điều tra của Việt Nam là không đáng kể nên biện pháp tự vệ (nếu có) có thể chưa ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên trong trường hợp xuất khẩu của Việt Nam tăng đột biến trong thời gian tới, EEC có thể tiến hành rà soát và bổ sung Việt Nam vào phạm vi áp dụng của biện pháp.
Trước đó, trong một diễn biến liên quan, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng thép cán nguội & thép chống ăn mòn (bao gồm mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu) nhập khập từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu Hàn Quốc, Đài Loan. Mức thuế áp lên các sản phẩm này lên tới hơn 456%.
Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, thép luôn là mặt hàng có số vụ kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất trong tất cả các ngành hàng. Cụ thể, trong số 142 vụ việc phòng vệ thương mại mà các nước điều tra với Việt Nam, có tới 35 vụ là với sản phẩm thép.
Các sản phẩm thép bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tương đối đa dạng và ngày càng mở rộng, không chỉ giới hạn ở mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn mà còn mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như: Mắc áo thép, thép chịu lực không gỉ, đinh thép, ống thép dẫn dầu, ống thép các-bon, thép mạ kẽm, dây thép… Hiện nay, chỉ có nhóm sản phẩm thép xây dựng chưa bị kiện phòng vệ thương mại và chiếm khoảng 22% tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam.
Tuy vậy, nhờ công cụ phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất, kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất như: Công ty thép Việt – Trung, Công ty thép Việt – Ý, Công ty thép Pomina…
Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ Công Thương cũng xác định, cần có các chính sách hợp lý nhằm thúc đẩy xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong ngành thép. Bởi lẽ, các doanh nghiệp FDI tăng xuất khẩu sẽ tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp trong nước xuất khẩu. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã tạo sức ép thúc đẩy cải cách về thể chế liên quan đến mở cửa thị trường, tạo thuận lợi thương mại. Những cải cách này không chỉ các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam được hưởng lợi mà còn lan tỏa sang các doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, để hiệu quả hơn, Hiệp hội Thép Việt Nam và Cục phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp phải chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường. Đó chính là biện pháp khả thi nhất nhằm giảm thiểu rủi ro từ các biện pháp hạn chế nhập khẩu thép.
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu tổng quát nhằm ngăn chặn, không để xảy ra các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp trong hoạt động xuất nhập khẩu, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc nếu có; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà sản xuất Việt Nam; duy trì tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững; thu hút hợp tác, đầu tư nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. |