101621-Tap-can-binh

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới thăm Kazakhstan và Uzbekistan trong tuần này

Thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm cấp nhà nước tới Kazakhstan và Uzbekistan trong tuần này. Được biết, ông Tập sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand, Uzbekistan và “thăm cấp nhà nước tới Kazakhstan và Uzbekistan” từ ngày 14-16/9/2022.

Chuyến công du của ông Tập diễn ra trước thềm Đại hội đảng XX của Trung Quốc sắp tới – một sự kiện quan trọng của đất nước này. SCO sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào ngày 15-16/9 tại thành phố Samarkand của Uzbekistan, vốn là một điểm dừng trên con đường tơ lụa cổ đại. Trước đó, theo tiết lộ của Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại Uzbekistan.

Các chuyên gia dự đoán, tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, các nhà lãnh đạo nhóm các nền kinh tế Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan và 4 nước Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Pakistan có khả năng sẽ bàn thảo về những biện pháp làm giảm tác động do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga do cuộc chiến tại Ukraine , những thách thức trong khu vực từ chủ nghĩa khủng bố, tầm quan trọng của các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI); cũng như sự gia tăng đáng báo động gần đây về các khoản nợ do các dự án đó mang lại.

Kể từ khi khởi động Sáng kiến BRI vào năm 2013, Trung Quốc đã trở thành chủ nợ song phương lớn nhất thế giới. Sáng kiến này đang làm thay đổi cơ bản mối quan hệ của phương Tây với châu Phi và cũng như gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á.

chinabeltandroadinitiativemap8624655_1032019

Tuyến đường Hàng hải và Đường bộ trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Theo tổ chức nghiên cứu AidData, thuộc Đại học William và Mary ở Virginia, có hơn 13.000 dự án vành đai và đường bộ trải khắp 165 nền kinh tế đang phát triển. Kết quả là, 42 quốc gia có thu nhập thấp đến trung bình có mức nợ với Trung Quốc cao hơn 10% GDP của họ. Một nghiên cứu của Fudan ước tính rằng 60% các quốc gia thu nhập thấp có nguy cơ gặp rủi ro do các khoản nợ trong khuôn khổ sáng kiến BRI.

Đến nay, Trung Quốc đã hoãn trả nợ khoảng 2,1 tỷ USD theo sáng kiến BRI. Theo Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc- Châu Phi của Johns Hopkins, Bắc Kinh đã xóa 23 khoản vay không lãi suất cho 17 quốc gia châu Phi gặp khó khăn về nợ. Tuy nhiên, chuyên gia về siêu dự án Bent Flyvbjerg, Trường Kinh doanh Saïd của Đại học Oxford cho biết: “Một số dự án cơ sở hạ tầng theo sáng kiến BRI của Trung Quốc đã phát sinh chi phí gấp đôi so với dự kiến và thâm hụt lợi ích lớn đến mức làm mất giá trị kinh tế mà nó mang lại”.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã đặt mục tiêu giảm quy mô của Sáng kiến BRI bằng cách ưu tiên các dự án quy mô nhỏ hơn, tập trung vào tính bền vững tài chính và cắt giảm tổn thất đối với các dự án phi lợi nhuận. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng có kế hoạch giúp các đối tác giải quyết việc trả nợ và hợp tác chặt chẽ hơn với các tổ chức phát triển đa phương, đặc biệt là trong việc xây dựng các tiêu chuẩn chung về môi trường và xã hội để đánh giá về các dự án.

Do đó, cuộc họp của SCO sẽ là một cơ hội tốt để giải quyết những vấn đề này. Các quốc gia Trung Á là nơi có 261 dự án thuộc Sáng kiến BRI, trong đó Pakistan, nơi có các dự án nằm trong Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá 54 tỷ USD và tuyến đường sắt Karachi-Peshawar trị giá 6,8 tỷ USD.

Các chuyên gia cho rằng, khi Mỹ thúc đẩy G7 khởi động dự án Đối tác Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu và Liên minh Châu Âu khởi động sáng kiến Cổng toàn cầu tập trung vào Châu Phi, Trung Quốc cần đẩy nhanh hơn nữa các thay đổi trong Sáng kiến BRI để giành được lợi thế cạnh tranh. Và chuyến đi của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là bước khởi đầu cho những nỗ lực này của Trung Quốc sau hai năm gián đoạn do đại dịch.

Cẩm Anh