Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, bình ổn lại thị trường sau những bất ổn, nhiều ý kiến cho rằng, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp…
Theo đó, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định, vừa qua, Bộ Công Thương tiếp tục họp với các thương nhân đầu mối để đánh giá việc thực hiện tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu 9 tháng đầu năm, phân giao tổng nguồn xăng dầu quý IV/2022. Đây là cuộc họp thứ hai của Bộ Công Thương với các thương nhân đầu mối xăng dầu chỉ trong vòng hai tuần trong bối cảnh thị trường xăng dầu tiếp tục diễn biến nhiều bất ổn, đặc biệt là việc nhiều cửa hàng xăng dầu vẫn đóng cửa.
Tại buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện việc nhập khẩu xăng dầu đối với các thương nhân đầu mối tư nhân vẫn gặp nhiều khó khăn và một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ việc kinh doanh xăng dầu thua lỗ, chi phí tăng lên, không còn tài chính để thực hiện việc nhập khẩu, nhất là khi ngân hàng không nới room tín dụng.
Và để tiết giảm chi phí kinh doanh, nên đã xảy ra việc giảm mạnh chiết khấu bán hàng, dẫn đến nhà bán lẻ kinh doanh xăng dầu thua lỗ, đóng cửa hoặc bán cầm chừng như thời gian qua.
Thực tế, số liệu thống kê của Bộ Tài chính mới công bố cũng đã cho thấy, trong quý III/2022, chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu sản phẩm. Một số thương nhân đầu mối thường nhập khẩu số lượng lớn nhưng trong quý III cũng không nhập khẩu, dẫn đến sản lượng nhập khẩu giảm khoảng 40% đối với xăng, giảm khoảng 35% đối với dầu DO, so với Quý II/2022.
Tại buổi kiểm tra xăng dầu tại Tổng kho xăng dầu Nhà Bè của Bộ Công Thương vừa diễn ra, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường – Trần Hữu Linh cũng cho biết, qua kiểm tra cho thấy trong số các công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu ở khu vực phía Nam có một đơn vị không thực hiện dự trữ xăng dầu theo quy định. Ngoài ra có năm công ty không đảm bảo dự trữ thương mại, thậm chí có công ty không đảm bảo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương phân giao.
Nguyên nhân được chỉ ra là do hàng loạt các chi phí, định mức liên quan xăng dầu vẫn chưa được điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Thông tin tại cuộc họp với Bộ Công Thương, ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam chia sẻ, các kiến nghị của hiệp hội về việc tháo gỡ những bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay chủ yếu mới có Bộ Công Thương kịp thời tháo gỡ. Nhiều kiến nghị trong các cuộc họp trước chưa được các bộ, ngành khác quan tâm. Đặc biệt, với chi phí lưu thông, dù đã kiến nghị nhưng việc thực hiện còn rất hạn chế.
Theo ông Bảo tới đây, đối với khối lượng xăng dầu Bộ Công Thương giao cho các doanh nghiệp nhập thêm, nhưng với giá cả hiện tại trong Quý IV, nhất là tháng 11-12 thì premium đang ở mức trên dưới 10 USD. Như vậy, chi phí doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ hơn 1.000 đồng/lít khiến doanh nghiệp không thể thực hiện được. Bên cạnh đó, phía ngân hàng cũng đang vận hành theo nguyên tắc phương án nhập khẩu có lợi nhuận thì mới cho vay, dù Bộ Công Thương đã có văn bản đề xuất ý kiến.
“Để bảo đảm được cho các doanh nghiệp có khả năng nhập đúng tiến độ, số lượng xăng dầu do Bộ đề xuất thì phải triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước theo cách thức: Lấy Quỹ bình ổn để bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước”, ông Bảo kiến nghị.
Ngoài ra, đại diện Hiệp hội xăng dầu cũng đề xuất, Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Tài chính để rà soát các chi phí, thay vì 6 tháng thay đổi 1 lần thì 3 tháng thay 1 lần để giảm đi chi phí nhập khẩu, cắt lỗ cho doanh nghiệp.
Đối với đề xuất của Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu về việc dùng Quỹ Bình ổn giá để bù cho premium, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, việc trích sử dụng Quỹ Bình ổn giá đã có một Thông tư quy định trong Nghị định và phải chi đúng mục đích. Bộ Công Thương sẽ trao đổi lại với Bộ Tài chính để thực thi đúng quy định.
Cũng liên quan đến đề xuất này, PGS.TS Hoàng Văn Cường – Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết, Quỹ bình ổn xăng dầu phải được sử dụng đúng mục đích là bình ổn giá xăng dầu trong nước, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Không thể dùng Quỹ bình ổn giá để hỗ trợ vấn đề xuất nhập khẩu của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Việc xuất nhập khẩu xăng dầu thuộc về kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh những ý kiến đã nêu, xoay quanh những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua, các chuyên gia cũng cho rằng, cơ quan quản lý cần nhìn thẳng vào thực tế của thị trường để đưa ra tháo gỡ phù hợp.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính cho rằng, không nhìn thẳng vào thực tế thị trường xăng dầu sẽ không thể xử lý bình ổn được. Giải pháp cấp bách hiện nay là cần có một tổng chỉ huy đưa ra các quyết sách tháo gỡ “nút thắt” khơi dòng nguồn cung.
Theo ông Thỏa, thứ nhất là cho phép mở rộng thị trường nhập khẩu xăng dầu (kể cả ở thị trường không có thuế xuất ưu đãi) và chấp nhận mức thuế suất cao vào trong giá cơ sở để chủ động nguồn cung. Bên cạnh đó, cơ quan điều hành tính toán tăng thêm hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp nhằm bám sát những thay đổi của thực tế, bao gồm chi phí và giá thị trường; thứ hai là điều chỉnh các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu (đã lỗi thời) theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ (bao gồm Premium của nguồn nhập khẩu và mua trong nước theo đúng quốc tế, chi phí đưa xăng dầu về đến cảng Việt nam, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng, tỷ giá và toàn bộ chi phí kinh doanh, định mức kinh doanh xăng dầu);
Thứ ba là hướng dẫn các đầu mối, các thương nhân phân phối nguyên tắc phân chia khoản chi phí định mức cho từng khâu, để tránh tình trạng chèn ép nhau trong thỏa thuận phân chia chi phí, từ đó chấm dứt tình trạng chiết khấu 0 đồng (cơ quan Nhà nước có thể hướng dẫn tỷ lệ tối thiểu cho từng khâu trong tổng số chi phí kinh doanh định mức); thứ tư, bãi bỏ ngay quy định các doanh nghiệp phân phối mua xăng dầu từ nhiều đầu mối. Quy định này khiến cho thương nhân đầu mối không thể chủ động nguồn cung cho các nhà phân phối. Do đó có thể thay thế uy định trên bằng việc doanh nghiệp phân phối phải đăng ký, cam kết số lượng mua, hệ thống của hàng quản lý và chỉ được mua hàng của hai cơ sở đầu mối.
Cuối cùng là đổi mới chu kỳ tính giá theo hướng rút ngắn từ 10 ngày xuống 5 ngày, phù hợp với phương thức mua bán 2-1-2 tránh tính giá thế giới bình quân gồm các ngày nghỉ. Trong đó, ngày điều hành giá trong nước không đẩy lùi nếu trùng vào ngày nghỉ, lễ tết, điều này nhằm phản ánh sát hơn biến động của giá thế giới đồng thời giảm sự “lệch pha” giữa giá trong nước với quá thị trường thế giới.
Gia Nguyễn