Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới.

Năm nay, Kỷ niệm 136 năm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, chúng ta không chỉ tưng bừng kỷ niệm ngày lễ, mà còn thể hiện các chính sách nhằm quan tâm, giúp đỡ người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất – những người đang cần mẫn làm việc nuôi sống gia đình và bản thân, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

An sinh cho người lao động

Đại dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 1/2020 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động việc làm trong các ngành và tại tất cả các tỉnh, thành.

Khi dịch bệnh bùng phát tại nhiều địa phương, trong đó có khu vực tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất, hơn ai hết, những công nhân làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Để kiên trì bám trụ với công việc, không ít người phải chấp nhận cuộc sống vất vả, thiếu thốn hơn.

Đến nay, khi dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh về cơ bản đã trở lại trạng thái bình thường, người lao động lại phải đối mặt với sức ép từ chi phí sinh hoạt tăng cao. Nhiều mặt hàng thiết yếu đã thiết lập một mặt bằng giá mới, trong khi mức lương vẫn không đổi khiến người lao động càng phải tằn tiện, chắt chiu. Điều này khiến chất lượng cuộc sống của họ suy giảm, thậm chí có trường hợp không bảo đảm mức sống tối thiểu.

SUCSONG

 

Hiện tại cả nước đang có khoảng 300 khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có hơn 200 khu đang hoạt động với hơn 2,8 triệu công nhân, người lao động đang làm việc. Báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động trong các khu công nghiệp có nhà ở ổn định. 80% còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm, chật hẹp, điều kiện sinh hoạt nghèo nàn, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh, không có các công trình dịch vụ công cộng và tiện ích xã hội kèm theo. Đời sống của công nhân gặp nhiều khó khăn về điều kiện ăn ở, vui chơi giải trí, khám chữa bệnh, học hành cho con cái.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng ta thấu hiểu khó khăn, vất vả của những người công nhân nói riêng và người lao động nói chung đã và đang trải qua trong bối cảnh Việt Nam cũng như toàn thế giới đang đấu tranh phòng chống dịch COVID-19. Mất việc làm, thu nhập giảm sút, các chế độ phúc lợi bị cắt giảm. Đặc biệt, cuộc sống của những người lao động ở khu vực phi chính thức sẽ còn khó khăn hơn.

Đảng và Nhà nước rất quan tâm, đang thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, hoàn thành mục tiêu kép để kinh tế chóng phục hồi, thu nhập sẽ tăng trở lại và nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra. Không chỉ bù đắp cho giai đoạn vừa rồi mà còn tạo ra sức bật lò xo cho việc phát triển, tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững”.

Vừa hay, Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ ngày 1/7/2022 với mức tăng 6%, dự kiến, phương án này sẽ được trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Việc kịp thời điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng là rất cần thiết để người lao động bảo đảm cuộc sống khi giá cả nhiều mặt hàng tăng cao. Qua đó góp phần giải bài toán an sinh xã hội cho công nhân – người lao động.

Tăng năng suất lao động

Trước tiên phải khẳng định năng suất lao động là “chìa khoá” của sự phát triển kinh tế, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội và luôn là bài toán rất khó với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã vượt qua nước có thu nhập thấp và đã có kế hoạch, chiến lược để bước vào danh sách các quốc gia có thu nhập trung bình và cao hơn. Để đạt được mục tiêu, ước vọng này thì giải quyết bài toán tăng năng suất lao động đã được đặt ra.

nang-suat-lao-dong

Năng suất lao động là “chìa khoá” của sự phát triển kinh tế

Trong các giải pháp nâng cao năng suất lao động, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo phải đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của các chính sách đổi mới, hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp nhằm tăng năng suất lao động với các sản phẩm mới, công nghệ cao. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tạo liên kết chặt chẽ với khu vực FDI, tăng cường chuyển giao công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa; cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp giữa tăng tiền lương và tăng năng suất lao động.

Riêng đối với doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận, tăng lương không chỉ hỗ trợ người lao động mà còn tạo động lực giúp tăng năng suất lao động và giữ chân nguồn nhân lực. Qua đó tạo cơ sở để xây dựng đội ngũ nhân lực lành nghề, góp phần vào sự phát triển của chính doanh nghiệp.

 Không chỉ tăng lương theo quy định chung mà những người sử dụng lao động còn cần nỗ lực hơn nữa để cải tiến sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, mang lại hiệu quả, lợi nhuận cao hơn, tạo nguồn tích lũy để không ngừng cải thiện thu nhập cho người lao động.

Còn người lao động, người lao động đang đứng trước yêu cầu phải thay đổi theo một tốc độ nhanh hơn rất nhiều, từ đó đặt ra những yêu cầu bức thiết về việc hoàn thiện và không ngừng nâng cao kỹ năng làm việc. Tuy nhiên, dường như hệ thống giáo dục hiện tại vẫn đang rất chông chênh trong việc hỗ trợ người học hình thành được một bộ các kỹ năng làm việc cần thiết để đáp ứng nhu cầu công việc.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, và sau đó sẽ tiếp tục hướng tới vị thế quốc gia có thu nhập cao. Để đạt được vị thế đó, bài toán sau đại dịch sẽ là một bài toán năng suất lao động, được đặt ra cho cả phía người sử dụng lao động và người lao động.

Chính vì vậy, người sử dụng lao động sẽ phải luôn suy nghĩ về cách để chuẩn hóa trình độ lao động, trong khi người lao động sẽ phải nhận thức được những yêu cầu của xã hội để không ngừng hoàn thiện.

Hy vọng rằng, phát huy tinh thần đoàn kết của ngày Quốc tế Lao động 1/5 cùng với sự quyết tâm của mình, các thế hệ công nhân – người lao động Việt Nam quyết đem hết sức mình tiếp nối truyền thống của cha ông với tinh thần ngày 1/5 bất diệt vì hòa bình, no ấm, bình đẳng, hạnh phúc và tiến bộ của chính bản thân, cho đất nước và nhân loại.

Thiên Ân