Tại sao những người điều hành, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu (gọi tắt – Qũy BOG) không nghĩ ra cách nào quản lý có hiệu quả, lãi suất thu về cao hơn?
Mới đây, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tổng số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (gọi tắt – Qũy BOG) đến hết quý 4 năm 2019 là 2.779,5 tỷ đồng. Mặc dù số dư lớn, tuy nhiên, lãi phát sinh trong quý 4/2019 cũng chỉ có hơn 2 tỷ đồng.
Lý do được giải thích là tiền trong quỹ được gửi ngân hàng với lãi suất không kỳ hạn (dao động từ 0,2-0,5%/năm). Việc này đang để lại cho dư luận những ý kiến trái chiều nhất định.
Từ kỳ vọng…
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu thuộc danh mục bình ổn giá, và giá bán lẻ xăng dầu đều do Nhà nước ban hành, quyết định. Từ năm 2007, Chính phủ quyết định điều hành giá bán lẻ xăng dầu trên cơ sở giá thị trường. Ðến đầu năm 2008, Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng đề án thành lập quỹ BOG.
Như tên gọi, quỹ BOG được kỳ vọng sẽ góp phần bình ổn mặt bằng giá xăng dầu, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định tăng trưởng và an sinh xã hội.
Ngày 9/1/2009, Thủ tướng ký quyết định, cho phép trích một khoản trước thuế thu nhập doanh nghiệp từ giá bán xăng dầu để hình thành quỹ BOG. Ðể hướng dẫn thực hiện việc trích lập quỹ, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 234/2009/TT-BCT hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng quỹ BOG theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NÐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, từ ngày 15/12/2009, khi mua xăng dầu, người tiêu dùng phải góp thêm 300 đồng/lít (kg) vào quỹ. Mức trích lập chỉ được Bộ Tài chính điều chỉnh trong trường hợp cần thiết khi có biến động của thị trường.
Về lý thuyết, việc trích lập Quỹ BOG xăng dầu là để “bù giá” cho người tiêu dùng khi giá xăng dầu tăng cao. Về bản chất, “bù giá” chỉ là việc người tiêu dùng chi trả khoản tăng giá bán lẻ xăng dầu trước đó, khi giá thị trường tăng thật, thì chi quỹ BOG để mức tăng thấp. Người dân vẫn chi dùng xăng dầu với mức giá cao, nhưng dòng tiền đã đi vòng qua doanh nghiệp từ trước.
Chính việc phát sinh nhiều bất cập, nên từ năm 2011 tới nay, quỹ BOG liên tục bị nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất bỏ.
… đến hiệu quả không như ý
Xăng dầu vẫn là mặt hàng được xếp vào danh mục “nhạy cảm” nhưng trong xu thế và các cam kết hội nhập cho thấy thị trường xăng dầu hiện nay dưới sự điều tiết của nhà nước nên mang hơi hướng của sự độc quyền. Còn duy trì quỹ BOG cũng không mang lại hiệu quả thực tế, ngược lại nó còn là mầm mống của tiêu cực.
Nói như vậy bởi vì, việc điều tiết này đang làm giảm tính cạnh tranh khi chưa có nhiều doanh nghiệp độc lập, hoặc các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường xăng dầu trong nước. Chính vì thế nên mặt hàng nguyên liệu đầu vào này sẽ còn ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cũng như đời sống dân sinh.
Tuy nhiên, điều mà người dân cảm thấy “nuốt không trôi” là cơ chế vận hành, tồn tại của quỹ BOG.
Như đã nói ở trên, với một số dư quỹ rất lớn, tới gần 3.000 tỷ đồng, các cơ quan liên ngành nên xem lại hình thức gửi, gửi ngân hàng nào? Gửi theo hình thức không kỳ hạn hay có kỳ hạn là tối ưu nhất, có được lãi suất tốt nhất.
Theo đó, nói như chuyên gia kinh tế Đặng Đình Đào thì: “Cần tính toán lựa chọn phương án gửi tối ưu nhất để đạt được hiệu quả cao nhất, đây là trách nhiệm của những người nắm giữ quỹ, những người này phải tính toán cho phù hợp. Bởi quỹ không bao giờ xả hết mà luôn có một số dư nhất định, trong trường hợp này có thể tính toán tách một phần gửi theo hình thức không kỳ hạn, một phần gửi theo hình thức có kỳ hạn để có được lãi tối ưu. Việc này vẫn hoàn toàn có thể chủ động khi cần xả quỹ mà cũng tránh được rủi ro kiểu bỏ tất cả ‘trứng vào một giỏ’”.
Thực tế, số tiền quỹ BOG đã trích lập bao nhiêu, chi tiêu bao nhiêu, người tiêu dùng không được biết vì các doanh nghiệp không công bố đầy đủ. Trong khi, yêu cầu người dân góp quỹ lên tới hàng nghìn tỷ đồng và để tồn tại doanh nghiệp vừa khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi vừa tạo khoản “vốn chết” gây lãng phí lớn về nguồn đầu tư.
Liên quan đến những bất cập này của quỹ BOG, TS Đinh Sơn Hùng – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM rằng: “Kinh doanh nhưng khi rủi ro, doanh nghiệp lại xả quỹ, tức lấy tiền của người dân đóng vào để bù lỗ cho mình, còn lãi thì thu về là không công bằng với người dân. Để bảo đảm công bằng, quỹ phải do người dân, doanh nghiệp cùng đóng, không thể đẩy hết rủi ro cho dân được”.
Có thể nói, trong khái niệm kinh tế thị trường gần như không có cái tên qũy BOG. Vấn đề nằm ở chỗ những người điều hành, quản lý quỹ tại sao không nghĩ ra được một cách nào quản lý có hiệu quả, lãi suất thu về cao hơn?
Tư duy làm kinh tế của các Bộ Tài chính và Bộ Công Thương không phải không có, không ai đánh giá thấp những người ngồi ở vị trí quản lý điều hành đó cả, mà điều mà dư luận thấy, các chuyên gia nhìn được ở đây là sự “móc ngoặc”.
Nói nhẹ nhàng một chút thì cách vận hành, quản lý quỹ BOG thời gian qua tại Việt Nam chưa hiệu quả, thậm chí có nhiều bất cập, thiếu minh bạch, rõ ràng khiến người dân nghi ngờ về vai trò cũng như sự tồn tại của quỹ này. Quỹ này có mục đích nhưng hiệu quả, hiệu dụng thực tế thì không rõ!
Nói thẳng ra, quỹ BOG là mắt xích của cái nhìn ngắn hạn, cũng là mầm mống của tiêu cực. Nhà nước càng định hướng và dùng công cụ BOG để can thiệp sâu thị trường sẽ dễ nảy sinh nhiều vấn đề đầu cơ, gây bất ổn cho thị trường lớn hơn rất nhiều lần so với quỹ bình ổn mang lại, chỉ có lợi cho doanh nghiệp, người dân thì trăm bề chịu thiệt.
Đã đến lúc, chúng ta nên tính đến việc hình thành các kho, cảng dự trữ xăng dầu quốc gia, thay vì dùng quỹ BOG. cơ quan quản lý nên thiết lập cơ chế dự trữ năng lượng những khi giá xăng dầu giảm, bình quân giao quyền lại cho các doanh nghiệp đầu mối những khi nguồn cung thiếu hụt hoặc những khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, điều này sẽ tránh tác động cho nền kinh tế và kéo giảm lạm phát
Hoặc, nếu tiếp tục duy trì quỹ BOG thì có thể tính đến phương án của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đó là nên chuyển giao quỹ BOG về Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hoặc một đơn vị độc lập nào đó quản lý một cách công khai. Nếu cứ để Liên Bộ quản lý như hiện nay, nhiều người sẽ không thấy không công khai, có việc này việc kia càng làm cho việc điều hành trở nên thêm phức tạp.
Bằng không, hãy bỏ quỹ BOG đi vì suy cho cùng nó chỉ có lợi cho doanh nghiệp, nhóm lợi ích nào đó, còn người dân thì chịu thiệt.
Sông Hàn