Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Delta và Omicron đều là những biến chủng có nhiều đột biến. Trong đó, biến chủng Delta có có 1 dạng đột biến, trong đó có 9 dạng ở dạng protein gai (spike protein), còn biến chủng Omicron có 43 dạng đột biến.

Theo ONS, các nhà khoa học có thể phân biệt Delta với Omicron bằng cách xác định các mẫu giữa ba gen cho kết quả dương tính – gen S, gen ORF1ab và gen N. Biến chủng Delta thường cho kết quả dương tính với cả ba gen, trong khi biến thể Omicron xét nghiệm âm tính với gen S.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Yale cho biết protein đột biến là một phần của virus giúp nó bám vào các tế bào của người nhiễm. Biến chủng Omicron có nhiều đột biến hơn, theo Robert Garry, một nhà virus học tại Đại học Tulane, nói với CNN rằng số lượng đột biến tăng không làm biến chủng trở nên nguy hiểm hơn.

Về mức độ lây nhiễm, theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ, biến thể Delta có khả năng lây lan gấp 2 lần so với các biến thể trước đó. Thời gian ủ bệnh cũng ngắn hơn so với các chủng trước đó của SARS-CoV-2, với thời gian trung bình là 4 ngày, có nghĩa là mọi người bị lây nhiễm nhanh hơn.

Còn dữ liệu ban đầu từ Nam Phi cho thấy, tạm thời tỷ lệ lây nhiễm của Omicron cao hơn nhiều so với các biến thể trước đó, cho thấy virus phần nào đang thoát khỏi khả năng miễn dịch. Nó dường như đang lây nhiễm sang những người trẻ tuổi, chủ yếu là những người chưa được tiêm chủng, và hầu hết các trường hợp ở bệnh viện là tương đối nhẹ.

Với mức độ gây bệnh tiến triển nặng, kết quả nghiên cứu được công bố vào đầu năm nay cho thấy, những người có biến thể Delta có nguy cơ nhập viện cao gấp đôi so với những người nhiễm biến thể Alpha trước đó. Tuy nhiên, 70% người nhiễm COVID-19 chuyển nặng do không được tiêm chủng do thời điểm đầu dịch các nước chưa kịp triển khai các chương trình vaccine.

Các chuyên gia đánh giá, vẫn cần thêm thời gian để làm rõ Omicron có tăng độc lực so với Delta hay không. Nhưng một nghiên cứu từ Nam Phi bước đầu chỉ ra biến chủng này có thể gây bệnh nhẹ hơn Delta. Cố vấn Y tế trưởng của Nhà Trắng, Tiến sĩ Antpny Fauci cũng đã nói “đã có những tín hiệu tích cực ban đầu” khi những người nhiễm biến chủng Omicron chỉ có những triệu chứng rất nhẹ.

Cho đến thời điểm hiện tại, biến chủng Delta vẫn chiếm ưu thế ở nhiều khu vực trên thế giới về độ nguy hiểm cũng như làm giảm hiệu quả của các loại vaccine. Nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo, Omicron có thể làm thay đổi mọi thứ ở những nơi khác trên thế giới hoặc ở những nhóm bệnh nhân khác nhau.

21

Cho đến thời điểm hiện tại, vaccine vẫn có hiệu quả ngăn chặn tiến triển bệnh nặng với các biến chủng

Chính vì vậy, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các chính phủ đưa ra và thực hiện các biện pháp ngăn chặn biến chủng mới một cách nghiêm ngặt.

Mặt khác, Giáo sư Sarah Gilbert, một trong những nhà khoa học đứng sau vaccine ngừa Covid-19 Oxford-AstraZeneca cho rằng, đại dịch tiếp theo có thể tồi tệ hơn nếu thế giới không có thêm kinh phí nghiên cứu và chuẩn bị.

“Đây sẽ không phải là lần cuối cùng virus đe dọa cuộc sống và sinh kế của chúng ta. Sự thật là lần tiếp theo có thể còn tồi tệ hơn. Nó có thể dễ lây lan hơn, hoặc gây chết người nhiều hơn, hoặc cả hai”, bà Gilbert nhấn mạnh.

Chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi cho biết, trong 6 người đã tiêm đủ liều 2 mũi vaccine Pfizer và từng nhiễm Covid-19 trước đó, máu của 5 người có thể trung hòa biến chủng Omicron. Điều này đồng nghĩa có khả năng mũi vaccine tăng cường của Pfizer cũng mang lại hiệu quả tương tự, các nhà khoa học nhận định.

Vì vaccine hiện tại nhằm mục đích ngăn ngừa bệnh nặng, và không nhất thiết chỉ bảo vệ khỏi nhiễm virus, nên việc tái nhiễm với triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng ít được quan tâm hơn. Bất chấp những đột biến, biến chủng mới vẫn cần chiến đấu bằng những biện pháp tương tự, bao gồm tiêm phòng, khẩu trang và giãn cách.

Cẩm Anh