Olympic Tokyo 2020 đối diện với nguy cơ trở thành kỳ Thế vận hội lỗ lớn nhất lịch sử.
Năm 1964 Nhật Bản là quốc gia đầu tiên ở châu Á tổ chức Olympic, kỳ Thế vận hội này đã thay đổi hoàn toàn đất nước Nhật Bản, nó như một động lực để xứ anh đào tái thiết, chỉnh trang đô thị, môi trường vốn tan hoang, nhếch nhác sau thế chiến II.
Hơn 10.000 tòa nhà mới đã được xây dựng, 8 đường cao tốc trên cao, 2 tuyến tàu điện ngầm và 1 tuyến tàu điện, hàng loạt công trình mang tính biểu tượng thời đại.
Người Nhật háo hức với Olympic, bất cứ môn thi đấu nào cũng “cháy vé”. Sau này có nhà tâm lý giải thích, là do người Nhật vừa trải qua cuộc chiến tàn khốc, thất bại, “sang chấn” tâm lý dân tộc. Thể thao như liều thuốc tinh thần, là động lực để tái thiết đất nước.
Robert Whiting, tác giả cuốn sách nổi tiếng Tokyo Junki nhận định “Olympic Tokyo 1964 thể hiện sự tái gia nhập của Nhật Bản sau thời gian ngụp lặn trong chiến tranh, cho thế giới thấy một nước Nhật hồi sinh mạnh mẽ”.
Olympic 2020 một lần nữa trở lại Nhật Bản. Nhưng lần này kết quả kinh tế không như họ mong muốn. Tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ như World Cup, Thế vận hội hay EURO,…bên cạnh tiềm lực cơ sở vật chất là bài toán kinh tế “lỗ – lãi” được tính toán rất tỉ mỉ. Rất nhiều quốc gia phất lên, cũng không ít nước chìm trong nợ nần.
Hồi đầu năm nay, tân Thủ tướng Nhật ông Suga nói tại Diễn đàn Kinh tế thế giới: “Nhật Bản sẽ tổ chức Olympic Tokyo mùa hè này. Tôi quyết tâm rất lớn khi nhận thấy Olympic sẽ mang lại hy vọng và lòng dũng cảm cho thế giới, là bằng chứng về chiến thắng của nhân loại đối với virus SARS-COV-2 và là biểu tượng của sự thống nhất toàn cầu”.
Việc phải chi thêm khoản tiền khổng lồ phòng chống lây nhiễm COVID-19 khiến Olympic Tokyo trở thành kỳ Thế vận hội đắt đỏ nhất trong lịch sử, gần 15 tỷ USD, cao hơn gấp đôi chi phí trung bình từ năm 1960 đến nay. Nếu mọi việc suôn sẻ đây là kỳ đại hội thể thao toàn cầu hoành tráng nhất lịch sử.
Cũng như EURO 2020 tổ chức dàn trải ở 11 thành phố khắp châu Âu, lượng khán giả vào sân èo uột do quy định chống dịch, “mỏ vàng” du lịch, dịch vụ không thể hoạt động, Tokyo cũng tương tự.
Do kế hoạch thu chi Olympic 2020 được tính toán chưa có sự xuất hiện của biến chủng Delta, điều này khiến Nhật Bản hoàn toàn bị động về mặt doanh thu, dự kiến 90 tỷ Yen từ bán vé không thu được.
Tổng giá trị hợp đồng tài trợ 3,3 tỷ USD, cao hơn nhất nhiều Olympic Bắc Kinh 2008, hay World Cup 2016 và 2018. Nhà đài NBC mua bản quyền phát sóng toàn bộ 1 tỷ USD, và trả thêm 7,5 tỷ USD để sở hữu bản quyền đến năm 2023.
Olympic là một thương hiệu thể thao toàn cầu với lợi nhuận khổng lồ đi kèm bao gồm bản quyền truyền hình, phóng sự, tài liệu, các ấn phẩm, quyền sử dụng logo và nhãn hiệu…
Nếu tổ chức thành công, Nhật Bản thu về kết quả vô cùng lớn, không chỉ là doanh thu trực tiếp từ sự kiện này mà còn tạo ra chiếc “tem bảo đảm” đối với hình ảnh quốc gia này – chiến thắng dịch bệnh.
Nhưng trái ngược với tính toán của Tokyo, kỳ Thế vận hội không có du khách nước ngoài, tình hình dịch bệnh trong nước không được kiểm soát triệt để, đã biến Olympic thành thương vụ đổ bể về mặt kinh tế, chưa kể hậu họa dịch bệnh đang lây lan trong vận động viên, nhà báo, bầu đoàn tham dự.
Còn trường hợp khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, đó là thành phố Athens – Hy Lạp tổ chức Olympic 2004, hy vọng tạo động lực cho nền kinh tế, họ hào phóng chi xây dựng cơ bản, vượt dự toán gần 800%! Thế nhưng, kỳ thế vận hội năm đó Hy Lạp lỗ nặng, là nguyên nhân chính dẫn đến vỡ nợ quốc gia một năm sau đó.
Trương Khắc Trà