Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp, có nhiều nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng vì chưa xây dựng được thương hiệu mạnh nên giá trị thu về của người nông dân, doanh nghiệp và đất nước còn chưa tương xứng. Và trong bối cảnh này, vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt càng trở nên cấp bách.
Sự phát triển về sản xuất, thương mại nông sản đã góp phần tích cực cho sự phát triển nông nghiệp – nông thôn Việt Nam trong thời gian qua. Theo đó, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn liên tục đổi mới, phương thức sản xuất chuyển biến tích cực, cấu trúc thị trường nông sản được củng cố và từng bước hội nhập sâu rộng, sản phẩm nông nghiệp được cải thiện cả về số lượng và chất lượng. Một số nông sản chủ lực đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới như gạo, cà phê, hồ tiêu, các loại thủy sản,…
Hiện nay, dù là quốc gia có các mặt hàng nông sản xuất khẩu “top” đầu thế giới, song tên tuổi, vị thế nông sản Việt vẫn chưa thể định hình, định danh trên thị trường quốc tế khi có tới gần 80% sản phẩm đến tay người tiêu dùng dưới danh nghĩa của những doanh nghiệp nước ngoài. Do chưa xây dựng được thương hiệu mạnh nên giá trị thu về của người nông dân, doanh nghiệp và đất nước chưa tương xứng. Đơn cử như cùng là trái sầu riêng, nhưng sầu riêng Malaysia có thương hiệu nên giá rất cao, trong khi chất lượng sầu riêng Việt Nam không kém thì giá rẻ hơn. Việt Nam xuất khẩu chuối qua Trung Quốc số lượng lớn nhưng đa số người tiêu dùng chỉ biết đến chuối Philippines…
Trong quá trình hội nhập, nông nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị còn yếu, chất lượng nông sản chưa đồng đều, sản phẩm không có thương hiệu, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chủ yếu là công đoạn sản xuất, giá trị gia tăng thấp.
Thực tế đó cũng cho thấy, chúng ta đang phải tổ chức sản xuất, thương mại theo tiêu chuẩn quốc tế, cạnh tranh theo luật chơi của quá trình hội nhập, cần sự thay đổi và thích ứng mạnh mẽ để đứng vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Theo kết quả khảo sát năm 2023 của Trung tâm thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế với 108 chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ, trong số 94 chỉ dẫn địa lý, chỉ có 78 chỉ dẫn được sử dụng trên bao bì sản phẩm, nhãn mác, phương tiện kinh doanh… trong thương mại tại thị trường trong nước, 16 chỉ dẫn không được sử dụng. Đặc biệt, trong số 78 chỉ dẫn địa lý này, chỉ có 39 chỉ dẫn địa lý (50%) được thường xuyên sử dụng, 31 chỉ dẫn địa lý ít được sử dụng và 8 chỉ dẫn địa lý rất ít được sử dụng. Trong số 94 chỉ dẫn địa lý, chỉ có 40 chỉ dẫn địa lý có sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài, như: châu Âu (Bỉ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Bungary), châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Philippines…), Mỹ, Úc… Sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể chủ yếu được xác định chất lượng bằng màu sắc, hình dáng, mùi vị… dựa vào cảm quan là chính nên rất khó định lượng để đề ra tiêu chuẩn chung cho sản phẩm đó.
Trước thực tế đó có thể nói việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi chúng ta mở được nhiều cánh cửa thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU… qua các hiệp định thương mại đa phương, song phương đã ký kết và có hiệu lực.
Và để xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản, ông Văn Hữu Huệ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long từng đề xuất, các cấp, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp thiết lập các vùng chuyên canh sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao.
Thực hiện các chính sách khuyến khích xây dựng và bảo hộ các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, truyền thống của các địa phương…
Cũng theo ông Huệ, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản là khẳng định lợi thế sản xuất nông nghiệp của nước ta nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, cần có sự chung tay, góp sức của từng người nông dân, từng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị.
Còn theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng để xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, nên bắt đầu bằng bước đi đầu tiên và trên cơ sở thị trường 100 triệu dân nội địa. “Chúng ta sẽ không thể đi xa và đi được lâu nếu không có nền tảng vững chắc từ trong nước”.
Song song, chúng ta cũng phải nhìn nhận thẳng vào sự thật là nền sản xuất nhỏ lẻ hiện tại cũng là vấn đề khó khăn trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Chúng ta cần phải có vùng sản xuất lớn, quản lý chất lượng và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. “Thương hiệu quốc gia cho nông sản là câu chuyện dài. Chúng ta đã chậm chân, nhưng phải đi những bước đầu tiên và tôi tin rồi sẽ đến nơi”, ông Nguyễn Như Cường cho biết.
Tại Việt Nam, để xây dựng thương hiệu quốc gia, Chính phủ cũng đã phê duyệt và triển khai nhiều chương trình như: Chiến lược xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt Nam, Chương trình thương hiệu quốc gia (Vietnam Value), Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… Mục đích của các chương trình này nhằm xây dựng, quảng bá nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, để sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phát huy giá trị, nâng cao sức cạnh tranh.
Lưu Kỳ