Trước cảnh ăn chực, nằm chờ ở biên giới Lạng Sơn hơn chục ngày trời vẫn chưa đến lượt thông quan, một số chủ hàng buộc phải điều lái xe chở hàng quay lại thành phố Lạng Sơn, đỗ dọc đường quốc lộ 1A để tháo gỡ trái cây bán cho khách qua đường với giá rẻ.
Phía Trung Quốc ngày càng siết chặt công tác phòng dịch, tạm đóng một số cửa khẩu nên lưu lượng xe ô tô chở hàng nông sản, hoa quả đến từ các tỉnh miền Nam đến Lạng Sơn nhiều, đã kín địa điểm kiểm hóa, bãi tập kết hàng và đỗ tràn ra tuyến đường quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Cao Lộc và Văn Lãng.
Mỗi ngày có hàng chục xe ô tô chở mít, thanh long, sầu riêng buộc phải rời khu trung chuyển, bãi kiểm hóa đi ngược trở lại quốc lộ 1A, đến địa điểm nào rộng, có đông người thì đỗ lại, dỡ hàng xuống bán. Người dân địa phương quen gọi những hoa quả xuất khẩu phục vụ thị trường nội địa là hàng “quay đầu”.
Ở thành phố Lạng Sơn có nhiều địa điểm bán trái cây xuất khẩu “quay đầu”, nhưng đông nhất vẫn là khu vực bến xe phía Bắc và bãi đất nhà máy xi măng cũ. Người bán, kẻ mua khá nhộn nhịp.
Ngồi bán mít ở khu vực bến xe phía Bắc, anh Vũ Văn Trung, 40 tuổi, quê Thái Bình là tài xế lái xe đường dài gần chục năm qua. Anh bảo, loại mít xuất khẩu này mua từ miền Tây nam bộ với giá trên 20 nghìn đồng/kg, mà nay bán sỉ với giá 10 ngàn/kg (loại 1), 6 nghìn/kg (loại 2). Vừa mất thời gian bán hàng vừa lỗ vốn vì khách ai cũng thích cân tươi.
Anh Nguyễn Văn Dũng, tài xế người tỉnh Bình Định cùng nhóm lái xe chở mít đến khu vực bãi trung chuyển Bản Liếp (xã Phú Xá, huyện Cao Lộc) 12 ngày nay, dự kiến một ngày nữa sẽ đến “nốt” để di chuyển đến cửa khẩu Tân Thanh làm thủ tục thông quan bán hàng sang Trung Quốc. Tưởng sẽ mừng vui nhưng anh lại không nói một lời, rồi dẫn chúng tôi đến cuối container của mình, mở thùng chứa mít chất đầy trong khoang.
Mùi mít thơm lựng phả ra. Tuy nhiên có mùi chua nhẹ. Anh bốc một quả mít đưa xuống đất, lấy dao bổ làm đôi. Màu quả mít vàng khê. Anh bảo: Mít đã chín quá rồi nên thay vì đi biên giới thì anh sẽ phải đánh xe rời bãi mang đến nơi nào đó ở xứ Lạng để bán không thì mít sẽ hỏng.
Cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn cho biết, thực tế phía Trung Quốc đã nhiều lần thông báo về các biện pháp thắt chặt kiểm soát dịch bệnh, trong đó còn hạn chế nhập khẩu đối với tất cả các mặt hàng được vận chuyển bằng container lạnh. Việc phía Trung Quốc tạm dừng việc tiếp nhận nhập khẩu hàng nông thủy sản đông lạnh trong 14 ngày ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thông thương hàng hóa qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng thông tin về việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cảng miền Nam Trung Quốc sẽ bị gián đoạn 6 tuần trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022. Như vậy, việc nhập hàng hay chở hàng trung chuyển qua các cảng miền Nam nước này sẽ bị đình trệ. Tức là hàng hóa Việt Nam xuất đi Trung Quốc bằng đường biển vào dịp Tết Nguyên đán có thể bị từ chối, hoặc không nhập cảng được trong vòng 6 tuần đó, ông Nguyên nhấn mạnh.
Liên quan đến thông tin trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Long An nói riêng cần cập nhật sớm, kịp thời thông tin từ các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai… để giúp doanh nghiệp điều tiết luồng hàng, tránh tình trạng ùn ứ khi đưa lên cửa khẩu. Để giảm rủi ro do ách tắc khi thông quan, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, giao dịch có hợp đồng, khai thác cơ hội Trung Quốc sắp mở cửa thị trường cho chanh leo, sầu riêng, khoai lang của Việt Nam theo đường chính ngạch.
Bảo An