Việc thế giới đang đối mặt nguy cơ thiếu hụt tài nguyên cát đã gióng lên hồi chuông báo động khi các vấn nạn về nông nghiệp, môi trường, du lịch… đang tiếp diễn liên tục.
Tài nguyên “nóng” toàn cầu
Theo chương trình môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP), dù không thể tính toán chính xác lượng khai thác nhưng cát đang chiếm 85% lượng khai thác toàn cầu mỗi năm, tương đương hơn 40 tỷ tấn và trở thành loại tài nguyên được khai thác nhiều nhất thế giới.
Ở châu Á và châu Phi, một sự bùng nổ xây dựng đã làm tăng nhu cầu gấp ba lần trong 2 thập kỷ qua. Trên toàn cầu, dự báo việc khai thác cát và sỏi được dự đoán sẽ tăng lên 82 tỷ tấn vào năm 2060. Tổng giá trị thị trường khai thác cát ước tính đạt 70 tỷ USD và có thể cao hơn do khó thống kê được nguồn khai thác lậu.
Là nguyên liệu chính của ngành xây dựng và loại vật liệu không thể thiếu trong các lĩnh vực như khoan dầu, sản xuất chip điện tử, kính, mỹ phẩm và nhiều lĩnh vực sản xuất khác, nhu cầu sử dụng cát đã gia tăng với tốc độ chóng mặt, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển công nghệ trong những năm gần đây.
Trong khi cát sa mạc dồi dào quá mịn để sử dụng làm vật liệu xây dựng, vì vậy hầu hết cát được lấy từ các mỏ đá hoặc từ các bãi biển ven biển và nạo vét từ lòng sông, dẫn đến việc gây hại cho tầng nước ngầm, ngư nghiệp và các khu vực được bảo vệ.
Dự báo nhu cầu về cát dự kiến sẽ tăng trong những năm tới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển đang phải đối mặt với sự gia tăng dân số, đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế. Gần hai phần ba sản lượng xi măng toàn cầu đang gia tăng mạnh ở Trung Quốc và Ấn Độ, phản ánh tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.
Chỉ riêng Trung Quốc đã sản xuất nhiều xi măng vào năm ngoái so với phần còn lại của thế giới cộng lại. Nền kinh tế lớn nhất khu vực này cũng chiếm đến 50% nhu cầu đất cát của toàn thế giới khi đầu tư mạnh tay cho cơ sở vật chất hạ tầng.
Hậu quả nghiêm trọng
Tuy nhiên, nhu cầu này tăng cao đã gây ra những hậu quả môi trường nghiêm trọng. Điều này đã được chuyên gia địa chất Minik Rosing thuộc Đại học Copenhagen, Mỹ cảnh báo, cát là một nguồn tài nguyên thiên nhiên vượt ra khỏi biên giới. Do đó, việc khai thác thường xuyên cũng sẽ gây ra những hậu quả vượt ra khỏi biên giới.
Cụ thể, việc Singapore là một trong những quốc gia nhập khẩu nhiều cát nhất trên thế giới đang khiến các nước láng giềng không hài lòng. Hầu hết các nước láng giềng của Singapore đã có những biện pháp siết chặt quản lý. Theo UNEP, xuất khẩu cát sang Singapore được cho là nguyên nhân gây ra sự biến mất của 24 đảo cát Indonesia.
Chính vì vậy, từ năm 2007, Indonesia đã chính thức cấm xuất khẩu cát sang Singapore vào năm 2007. Trong hai năm qua, Campuchia và Malaysia cũng đã cấm xuất khẩu cát biển vì lý do môi trường. Lệnh cấm Malaysia trong năm 2018 có thể sẽ có tác động lớn đến Singapore, vì Malaysia là nguồn cung cấp 96% lượng cát nhập khẩu của Singapore vào năm ngoái.
Đáng chú ý, nhu cầu về cát ngày càng tăng đã dẫn đến buôn bán cát trái phép ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi trên toàn thế giới đang có những hậu quả nghiêm trọng. Ở Ma-rốc, khoảng một nửa số cát mà quốc gia này sử dụng là do khai thác trái phép từ bờ biển. Xói mòn đã gây ra vấn đề nghiêm trọng cho ngành du lịch đất nước.
Việc xây dựng đập tràn lan trên các hệ thống sông ngòi ở rất nhiều nước đã làm giảm lượng cát bồi lắng có thể khai thác, gây ra tình trạng khai thác trái phép tài nguyên cát ở các quốc gia như Ấn Độ, Morocco, Kenya …
Tương tự, toàn bộ hệ sinh thái của dòng sông Mekong đang bị đe dọa. Các nghiên cứu về hạ lưu sông Mekong cho thấy lòng sông đã bị hạ thấp vài mét chỉ trong vài năm, làm xói mòn và sạt lở tại Campuchia, Việt Nam trong nhiều năm gần đây.
Nhiều khu vực bị khai thác quá đà không kịp tái tạo một cách tự nhiên, qua đó làm ô nhiễm môi trường, hủy hoại nguồn sống và gián tiếp tạo nên các vụ thiên tai. Trong khi khai thác cát rất dễ dàng và nhanh chóng thì trái đất lại phải tốn hàng nghìn năm mới dựng nên được loại cát phù hợp cho xây dựng.
Trước tình hình tài nguyên cát ngày càng cạn kiệt, các chuyên gia nhận định rằng, điều đáng chú ý là ngày càng khó tìm thấy cát. Một khuyến nghị được đưa ra là loại bỏ các dự án xây dựng không cần thiết.
Đồng thời, khi các quốc gia tiến hành xây dựng, việc tái chế các vật liệu cũ là một lựa chọn tốt, đặc biệt đối với các nước phát triển. Ví dụ, tro tái chế từ chất thải rắn bị đốt cháy cũng có thể thay thế cát. Các chính phủ và doanh nghiệp nên tạo ra chuỗi cung ứng và thiết lập các chính sách theo dõi chặt chẽ nguồn tài nguyên cát để tránh hiện tượng khai thác trộm và trái phép.
Thậm chí, tại Việt Nam, việc chế biến cát nhân tạo, cát nhiễm mặn thành cát xây dựng để đáp ứng nhu cầu cát xây dựng đang tăng nhanh hiện nay. Mặc dù hiệu quả kinh tế cần tính toán thêm, nhưng nếu sử dụng được cát nhiễm mặn cho các công trình được kỳ vọng sẽ giúp giá thành của loại vật liệu này ổn định.
Theo DDDN