Nông nghiệp công nghệ cao đang là cơ hội và thách thức cho các startup có đam mê với ngành nông nghiệp nước nhà.
Việc áp dụng khoa học – công nghệ cho ngành sản xuất nông nghiệp như sử dụng hệ thống nhà lưới, nhà màng cho sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp hiệu quả. Nông nghiệp công nghệ cao được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất, hay gọi là công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản.
Hiện ở Việt Nam đã có khá nhiều startup thành công trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có niềm đam mê với ngành nông, cũng là người thành lập ra HTX Việt Yên. Chị cho biết, khi bắt tay vào cải tạo đất để gieo trồng, chị Hằng cũng gặp không ít khó khăn trở ngại. Đất canh tác ở vùng trũng, bỏ hoang lâu năm, việc cải tạo rất vất vả. Chị vừa làm, vừa nhờ Hội phụ nữ huyện Việt Yên, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, các xã viên, nông dân cùng giúp đỡ để cải tạo đất. Cuối năm 2018, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang hỗ trợ xây dựng 10.000m2 nhà màng để sản xuất các loại rau, đặc biệt là sản xuất các loại rau trái vụ. Sau khi làm xong, chị trồng các loại cải, dưa, cà chua, khoai tây.
Chị Hằng chia sẻ, ở quê chị, bà con xã viên nông dân có nhu cầu làm nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch, nhưng ít ai dám mạnh dạn đầu tư. Thấy mình còn trẻ tuổi, lại từng làm ở môi trường hiện đại, chị đã mạnh dạn triển khai mô hình, đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Với tình hình thời tiết khắc nghiệt, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao như xây dựng nhà lưới, nhà màng vào sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng phát triển hiện nay. Chị Hằng cho rằng, “sử dụng nhà màng giúp cây trồng hạn chế được sự tấn công của dịch hại, côn trùng gây bệnh, chủ động được về thời tiết như khi trời mưa, nền đất đảm bảo không bị ngập. Đây là ưu điểm cao nhất mà nhà lưới đem lại”. Chính vì vậy, chị bắt đầu công đoạn làm nhà màng để nuôi trồng nông sản sạch.
Tròn 30 tuổi, có trong tay cơ ngơi vững vàng với lượng sản xuất trung bình 300kg rau sạch/ngày, chị Thu Hằng đã trở thành tấm gương phụ nữ khởi nghiệp nhiều người noi theo.
Với mô hình nông nghiệp công nghệ cao, những người nông dân thuần chất ở Sơn La đang vươn lên làm giàu, trở thành những doanh nhân, đưa nông sản tới khắp miền đất nước… Bà Luyến “rau sạch” ở Mộc Châu – Sơn La cho biết, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm rau xanh các loại theo tiêu chuẩn VietGAP với 6.000 m2 nhà lưới, HTX Rau an toàn Tự Nhiên do bà thành lập đã được thị trường chấp nhận và người tiêu dùng tín nhiệm. Mỗi ngày, gần ba tấn rau xanh của HTX được đưa về Hà Nội và có mặt tại các siêu thị Metro, VinMart, Big C…
Cũng với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, Đoàn Thu Trà, một cô gái người Tày sinh năm 1991, đã ứng dụng công nghệ 4.0 – nông nghiệp công nghệ cao vào mô hình trang trại dâu tây và hoa hồng. Với cách làm nhanh nhạy của mình, cô đã lan tỏa niềm đam mê khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trên vùng đất Cao Bằng. Đoàn Thu Trà cho biết, xu hướng hiện nay là phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trang trại của Thu Trà là một trong những trang trại đi đầu tại Cao Bằng về sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, với việc ứng dụng trồng dưa lưới, dâu tây trên giá thể, sử dụng các máy móc thông minh như hệ thống tưới châm phân tự động fertikit kết nối wifi, 3G với người dùng; hệ thống cảm biến dự báo thời tiết trên vườn, các loại máy, bút đo chỉ tiêu của đất và dung dịch thủy canh cho cây trồng… Ứng dụng công nghệ 4.0, nông nghiệp thông minh vào sản xuất để giảm chi phí công lao động.
Ngoài ra sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch đang là hướng phát triển thu hút được khách tham quan. Hơn nữa, quê hương cô có những di tích hàng trăm năm tuổi nhưng còn ít người biết đến. Từ ý tưởng đó, Thu Trà quyết định kết hợp du lịch nông nghiệp với du lịch giới thiệu danh lam, thắng cảnh, di tích ở địa phương. Mô hình du lịch nhà vườn, trải nghiệm hái dâu tây của Đoàn Thu Trà đã tạo một điểm nhấn mới cho du lịch Cao Bằng. Thu Trà là tâm gương khởi nghiệp thành công từ nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Cao Bằng.
Anh Lâm Trọng Nghĩa (sinh năm 1987, sống ở Tràm Chim, Tam Nông, Đồng Tháp) bắt đầu khởi nghiệp từ ứng dụng công nghệ hiện đại với mong muốn cải thiện năng suất và lợi nhuận cho người nông dân. Anh Nghĩa chia sẻ, giai đoạn bắt đầu khởi nghiệp đã gặp không ít khó khăn đó là tài chính và khả năng thuyết phục người nông dân thay đổi tư duy sản xuất truyền thống. Do giá trị đầu tư ban đầu khá lớn, mỗi chiếc máy bay không người lái trị giá 500 triệu đồng. Mình đã vay mượn nhiều nơi để có đủ vốn đầu tư chiếc máy đầu tiên. Tuy nhiên, việc thuyết phục được người dân về hiệu quả của công nghệ mới đem lại là khó khăn lớn nhất của mình. Bởi đây là phương pháp phun thuốc bảo vệ thực vật hoàn toàn khác so với cách làm thủ công trước đây.
Để có thể vận hành máy bay điều khiển từ xa trên bầu trời, anh Nghĩa đã xin giấy phép tại Bộ Quốc phòng sau đó trình báo với cơ quan quân sự địa phương. Sau khi được phê duyệt, anh đưa vào sử dụng và ngày càng mở rộng thị trường trên nhiều địa bàn.
Hiện nay, anh Nghĩa đang điều hành và quản lý 15 chiếc máy bay điều khiển từ xa phun thuốc bảo vệ thực vật trên 20.000 ha cây nông nghiệp tại địa bàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp).
Qua đây cũng mong trong thời gian tới, các tổ chức nông nghiệp, các trường đại học cần liên kết chặt chẽ hơn nữa để phát triển nhiều hơn về ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, cũng như mô hình kinh tế nông nghiệp. Nếu có được sự liên kết bền vững tạo nên chuỗi giá trị cung ứng sẽ thu hút được các nhà đầu tư vào cuộc, rót vốn cho ngành nông nghiệp công nghệ cao.
Ngọc Tú