Theo giám đốc điều hành của EU, thỏa thuận này sẽ mở đường cho Ủy ban châu Âu tăng hàng tỷ euro trên thị trường vốn của 27 quốc gia thành viên, một hành động “đoàn kết chưa từng có” trong gần bảy thập kỷ hội nhập châu Âu.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula Von Der Leyen thực hiện một cú va chạm khuỷu tay vào cuối cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh châu Âu kéo dài hơn bốn ngày tại Hội đồng Châu Âu tại Brussels, Bỉ, ngày 21 tháng 7 năm 2020. Ảnh Reuters.

Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh EU, Charles Michel đã gọi hiệp định đạt được vào lúc 5.15 sáng (0315 GMT), là một “thời khắc quan trọng nhất” đối với Châu Âu.

Trước đó, nhiều người đã cảnh báo sự thất bại của hội nghị thượng đỉnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 leo thang và khiến khả năng tồn tại của khối bị nghi ngờ nghiêm trọng sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế và sự ra đi gần đây của Anh.

Ngay lập tức, các thị trường chứng khoán trên khắp Liên minh châu Âu đã khởi sắc trở lại và đồng euro chạm mức cao nhất trong bốn tháng đạt tỷ lệ 1,1470 so với đồng đô la Mỹ.

Trong không khí hào hứng, Charles Michel chia sẻ với các phóng viên: “Thỏa thuận này gửi một thông điệp cụ thể rằng, châu Âu là một lực lượng hành động, một khối thống nhất và không chia rẽ”

Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đi đầu trong việc thúc đẩy thỏa thuận với Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã ca ngợi đó là một cuộc “phiêu lưu thực sự lịch sử”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh Reuters.

Trên thực tế, các nhà lãnh đạo hy vọng quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro (857,33 tỷ USD) và ngân sách 1,1 nghìn tỷ euro cho kế hoạch 2021-2027 sẽ giúp vực dậy sự suy thoái kinh tế sâu nhất của lục địa già kể từ Thế chiến thứ hai sau khi dịch COVID-19 đóng cửa các nền kinh tế nơi đây.

“Một câu lạc bộ cứng đầu” gồm 27 nhà lãnh đạo các nước, mỗi người có quan điểm riêng biệt, hội nghị thượng đỉnh lần này cũng đã bộc lộ nhiều quan điểm “cực đoan và ích kỷ” vì những lợi ích quốc gia cá nhân hơn là việc xem xét trên bình diện chung.

Tuy nhiên, khi ngồi trong hội nghị, các lãnh đạo không thể đi đến một tiếng nói chung khi có quá nhiều các quan điểm “lệch pha” nhau. Hà Lan, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan dẫn đầu một nhóm các quốc gia tiết kiệm, với quan điểm viện trợ cho Ý, Tây Ban Nha và các quốc gia Địa Trung Hải khác, bằng các khoản vay, không phải là các khoản trợ cấp không trả.

Ma sát lên đến đỉnh điểm vào tối Chủ nhật khi Macron mất bình tĩnh, trong khi Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã gán cho họ cái tên keo kiệt, tự cao tự đại. “Những cuộc cãi lộn” đã kéo dài hội nghị thượng đỉnh, khiến nó trở thành hội nghị dài thứ hai trong lịch sử EU, chỉ kém hơn 20 phút so với kỷ lục được thiết lập vào năm 2000 tại Nice, Pháp.

Và cuối cùng điều mà người ta chờ đợi đã được thông qua. Theo thỏa hiệp, Ủy ban thống nhất sử dụng khoản tiền 750 tỷ euro theo hai hướng, khoản tài trợ trị giá 390 tỷ, ít hơn mục tiêu ban đầu là 500 tỷ và khoản cho vay giá rẻ là 360 tỷ. Mọi thứ cuối cùng đã tìm được điểm tới hạn chung giữa các quốc gia.

“Thỏa thuân lịch sử” thì như vậy nhưng kế hoạch phục hồi hiện vẫn phải đối mặt với việc thông qua Nghị viện châu Âu và nó phải được tất cả các quốc gia EU phê chuẩn. Tiền có vẻ đã có nhưng “bao giờ giải ngân” mới là điều các nhà kinh tế đang quan tâm. Trong năm nay hay đầu năm tới có lẽ còn chưa biết được!

Nguyễn Chuẩn