Chuyển tới nội dung

Nông dân Thuận An làm giàu từ cây rau đặc sản

  • bởi

Ông Võ Văn Phước, nông dân ngụ xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long nói quả quyết: “Chuyện có thật 100% đấy nhé, tuy là xã vùng ven nhưng thu nhập đầu người xã tôi năm 2019 trên 64 triệu đồng, vượt xa nhiều xã, phường khác và là mức thu nhập bình quân cao nhất tuyến xã của tỉnh Vĩnh Long.

3340-1536x1152

Thu hoạch xà lách xoong.

Xây nhà, mua xe nhờ rau diếp cá, xà lách xoong

Nói đến Thuận An là cả nước nhắc đến vương quốc rau diếp cá (có nơi gọi là rau dấp cá) với gần 100ha chuyên canh, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trên địa bàn cả nước, nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp và xuất bán sang nước bạn Campuchia.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, ngụ ấp Thuận Tiến B cho biết: “Gia đình tôi trồng loại rau diếp cá đã trên 20 năm với diện tích 10 công đất. Bình quân mỗi năm sau khi trừ hết chi phí đầu tư còn lãi từ 300 đến 350 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa và các loại hoa màu, rau củ khác lại nhẹ công chăm sóc lại vừa có thu nhập quanh năm”.

Do có nhiều ưu điểm như dễ trồng, dễ tiêu thụ, lãi cao, ít công chăm bón nên hiện nay đã có hàng trăm hộ dân gắn bó với loại rau “làm giàu” này một cách bền vững. Tuy nhiên nhiều nông dân cho biết: Vào mùa thuận (từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch) giá rau diếp cá dao động bình quân từ 10.000 đến 12.000 đồng/kg, nhưng sang mùa nghịch (từ tháng 3 đến tháng 9) giá bán từ 50.000 – 60.000đồng/kg nhưng sản lượng thu hoạch thấp hơn nhiều, chất lượng rau cũng không được cao so với mùa thuận.

Nhiều chuyên gia y tế cho biết: Rau diếp cá là loại cỏ lâu năm, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, giảm mưng mủ vết thương, lợi tiểu. Rau diếp cá ngâm rượu có thể trị rụng tóc, làm đẹp, trị cao huyết áp, viêm gan, tiểu đường.
Một khó khăn là loại rau này khi đến đợt nếu không thu hoạch kịp thời thì sẽ kém chất lượng, lá già cỗi và không thể tiêu thụ, từ đó người trồng phải nắm bắt chặt chẽ thời gian và thị trường tiêu thụ để không bị thất thu do thu hoạch quá hạn.

Ông Võ Văn Chuộng, ngụ ấp Thuận Tiến A nói thêm: “Năm rồi rau diếp cá trúng mùa, trúng giá, người trồng ở đây lãi mỗi công đến 50 triệu đồng mà không đủ rau để bán. Nhiều người đã xây nhà mới, mua phương tiện đi lại, sản xuất, tiêu dùng cũng từ loại rau “đặc sản” này.

Có mặt trên những cánh đồng xanh mượt rau C đang có rất nhiều nông dân đang thu hoạch, chúng tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện vui của nông dân Thuận An kể về loại rau chủ lực có mặt tại đây đã trên 40 năm đã và đang mang lại cuộc sống ấm no, đủ đầy cho hàng trăm hộ dân chuyên canh.

Bà Trần Thị Phượng, ngụ ấp Thuận Phú B tự hào nói: “Đi nhiều nơi nhưng không đâu có rau xà lách xoong ngon, ngọt, thơm như ở Thuận An. Nhiều người đã thử nghiệm mang rau này về trồng nơi khác nhưng đều không thành công. Đây là điểm rất đặc biệt mà nhiều chuyên gia nông nghiệp đang tìm hiểu”.

Hiện nay, toàn xã Thuận An có gần 100 hộ dân chuyên canh rau xà lách xoong với diện tích 102ha. Theo nhiều nông dân Thuận An chia sẻ, xà lách xoong có tuổi thọ khoảng 20 năm với đặc tính phát triển là cắt hết lớp cũ thì lớp mới lại tiếp tục mọc lên thay thế, từ đó người trồng không phải cắt bỏ, đào gốc như những loại rau màu khác. Mỗi lần thu hoạch cách nhau từ 40 đến 45 ngày. Rau xà lách xoong rất thích nghi tốt với vùng đất cát pha sét. Bình quân mỗi công thu được khoảng 60 triệu đồng/năm, rau sẽ chậm lớn trong mùa khô vì vậy giá bán cao hơn mùa mưa nhiều lần. Thị trường tiêu thụ thường xuyên là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TP. HCM.

Bà Tiêu Thị Thái, thương lái đến từ TP. HCM thu mua các loại rau được trồng tại đây nhận xét: “Nói đến rau diếp cá và xà lách xoong thì không đâu bì được với xã Thuận An này. Những năm thời tiết diễn biến xấu, thương lái chúng tôi phải đến đặt hàng vài tuần thậm chí cả tháng trước mùa thu hoạch mới có rau phân phối cho các đại lý và người tiêu dùng tại TP, HCM. Rau ở đây vừa ngon lại vừa đảm bảo an toàn bởi rất hạn chế việc sử dụng phân hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật”.

3337-1536x1028

Thu hoạch rau diếp cá.

Sản xuất theo GlobalGAP để tạo dựng thương hiệu

Để phát triển mạnh hơn nữa tiềm năng của 2 loại rau chủ lực là rau diếp cá và xà lách xoong, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chuyên môn và bà con nông dân chuyên canh đã hình thành nhiều tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), điển hình là HTX rau an toàn xà lách xoong Thuận An với 21 thành viên áp dụng phương thức sản xuất GlobalGAP đang phát huy hiệu quả kinh tế và được thị trường đón nhận.

Ông Trần Minh Hiếu, Giám đốc HTX phấn khởi nói: “Chúng tôi làm ăn theo phương thức tập thể, đảm bảo đầu ra là rau sạch 100% nên luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thêm diện tích sản xuất cùng với việc áp dụng triệt để các biện pháp khoa học để tăng sản lượng lẫn chất lượng, giữ vững thương hiệu “Xà lách xoong Thuận An”.

Không chỉ làm giàu bền vững cho người trồng, việc thu hoạch 2 loại rau diếp cá, xà lách xoong còn tạo việc làm quanh năm cho hàng trăm lao động, nhiều nhất là chị em phụ nữ tại địa phương.

Chị Tô Kim Tuyến, ngụ ấp Thuận Phú A cho biết: “Nhà không có đất sản xuất, vợ chồng tôi chuyên làm thuê cho các chủ đất trồng 2 loại rau trên. Mỗi ngày tôi được trả 170.000 đồng, chồng tôi được 200.000 đồng, công việc tuy có vất vả nhưng thu nhập ổn định, đủ điều kiện cho 3 đứa con ăn học. Cạnh đó việc làm có quanh năm kể cả ngày lễ tết”.
Khi đã có cái ăn, cái mặc tương đối đầy đủ, nông dân xã Thuận An chung sức, chung lòng xây dựng quê nhà ngày càng giàu đẹp, văn hóa, văn minh, góp phần rất lớn vào thành công để xã nhà đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023.

Về Thuận An trong những ngày này, chúng tôi được thấy những con đường nông thôn mới khang trang thẳng tắp, những cây cầu kiên cố, những ngôi nhà mới rất hoành tráng. Đặc biệt ấn tượng với sự xanh mướt trải dài trên những cánh đồng non tươi của rau diếp cá và xà lách xoong, cùng khí thế tất bật lao động rất nhộn nhịp khẩn trương của người dân nơi đây.

“Nông dân xã tôi giờ đã quá quen thuộc với nền nông nghiệp 4.0 rồi. Họ miệt mài chí thú làm ăn gắn với việc năng động nắm bắt khoa học kỹ thuật, nắm bắt nhanh nhạy xu thế phát triển của thương trường. Cùng với đó họ biết liên kết hỗ trợ để cùng nhau làm giàu, góp phần quan trọng để địa phương chúng tôi ngày càng phát triển”.
Ông Bùi Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Thuận An

 

Như Thanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved