“Nếu chỉ nhìn vào lợi nhuận, không ai chọn nước mắm truyền thống để khởi nghiệp kinh doanh, bởi đây là nghề quá khốc liệt. Tăng trưởng của ngành hàng không tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế như những ngành hàng tiêu dùng khác. Một chai nước mắm bán ra, thì cả tháng, thậm chí vài tháng sau, người tiêu dùng mới mua lại”, Lê Anh, CEO Công ty TNHH Lê Gia lý giải việc anh liều lĩnh chọn nghề không phải sở trường của mình.

Rời phố về quê…khởi nghiệp

Lê Anh được biết đến là một kỹ sư có thu nhập ngàn đô khi còn làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản… Năm 2015, anh quyết định từ bỏ công việc để gia nhập “câu lạc bộ” những nhà sản xuất mắm truyền thống với thương hiệu Lê Gia.

le-anh-2

Thương hiệu nước mắm Lê Gia của anh Lê Anh gắn với nghề truyền thống quê hương

Dù đây là nghề truyền thống của gia đình, của quê hương nhưng để gìn giữ, phát huy là điều không đơn giản. Khi bắt tay vào, mọi thứ với với anh gần như là số không trống rỗng, chỉ duy nhất trong mình ấp ủ một tình yêu với nghề mắm truyền thống của cha ông.

Kết quả là, cùng một lúc anh phải tự giải rất nhiều bài toán của một doanh nghiệp khởi nghiệp. Tức là vừa đầu tư sản xuất, vừa phân phối bán hàng trong một thị trường rất ít cơ hội cho người chậm chân đi sau, thế nên mọi thứ thật là khó khăn. “Tôi vẫn nhớ những ngày nằm liệt giường vì cột sống thoát vị do cường độ lao động, đầu óc căng thẳng, rồi những ngày chạy đôn đáo xoay xở tiền bạc để trả nợ”, an Lê Anh chia sẻ.

Nghề làm mắm truyền thống đầy cực nhọc, biên độ lợi nhuận thấp, không dễ mở rộng quy mô, tăng được sản lượng, nhưng Lê Anh tâm niệm, trước tiên, hãy làm những gì tốt nhất cho khách hàng, rồi lợi nhuận sẽ đến sau. Vì vậy, nước mắm Lê Gia không chỉ ngon, đảm bảo chất lượng, mà hình thức cũng hết sức tinh tế. Dù chỉ là chiếc nắp chai, Lê Anh cũng chấp nhận bỏ ra cả trăm triệu đồng thuê gia công làm đi, làm lại cho đến khi đạt chuẩn, để sản phẩm không bị rớt ra khi sử dụng mới thôi.

Lợi thế của người trẻ

Hiện nay, nếu tính ngành sản xuất kiểu nước mắm truyền thống thì cả nước có gần 3.000 cơ sở sản xuất nằm dọc bờ biển nước ta. Nhưng 3.000 cơ sở này cũng chỉ chiếm chưa tới 20% thị phần. Có những thời điểm, của nghề nước mắm truyền thống tưởng chừng bị xóa sổ. Nhìn vào thế hệ trẻ, hầu như rất ít người ăn nước mắm truyền thống. Lứa tuổi học sinh thậm chí ăn xì dầu, tương ớt. Xu hướng tiêu dùng thay đổi nhanh và đó là bức tranh không mấy sáng sủa ngành nước mắm truyền thống.

“Là người trẻ, mình thấu hiểu điều đó nên cố gắng cải thiện bằng công nghệ sản xuất để nước mắm vẫn là sản phẩm chỉ từ cá và muối, vẫn giữ được bản chất truyền thống nhưng cố gắng mang lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn, màu hổ phách, hậu vị thanh và mùi thơm dịu. Thành công đầu tiên của Lê Gia bắt đầu từ dòng sản phẩm dẫn – nước mắm Lê Gia cho bé.

Khi ấy, thị trường đã có sản phẩm dành cho phân khúc này nhưng hàng của họ có dùng chất bảo quản, còn mắm Lê Gia thì không và vị nhạt hơn do giảm lượng muối và chọn cá cơm than- loại cá làm mắm tốt nhất, cùng với sự tiện lợi của bao bì nên chiếm lĩnh được thị trường.

Nuocmam-Legia-5

Cái hay của nước mắm truyền thống là mỗi nhà sản xuất có một bí quyết.

Tin dùng sản phẩm nước mắm dành cho bé, nhiều mẹ đã mua thử sản phẩm khác của Lê Gia và chúng tôi cố gắng cải tiến để chinh phục người dùng bằng chất lượng, sự nguyên bản tự nhiên cũng như sự tiện lợi trong thiết kế bao bì và trải nghiệm khách hàng.” – Lê Anh phân tích.

Ngay từ khi bắt đầu đến nay, anh Lê Anh vẫn giữ triết lý về truyền thông và bán hàng: “Mâm cơm của khách hàng là mâm cơm của chính gia đình chúng tôi”. Những gì bán cho khách cũng là những gì chúng tôi ăn hàng ngày. Chính vì vậy, việc truyền thông sản phẩm chúng tôi cũng coi nó đơn giản là những cuộc trò chuyện của những người trong gia đình với nhau.

Một lý do nữa, những khách hàng đầu tiên của chúng tôi là bạn bè, người thân trong vòng tròn kết nối gần nhất qua mạng xã hội. Những người đã lựa chọn tin tưởng và ủng hộ Lê Gia đã góp phần lan tỏa giới thiệu đến nhiều người khác. Trong những thời khắc khó khăn và mệt mỏi nhất, đôi khi chỉ cần nhớ lại những tình cảm và lời động viên của mọi người, chúng tôi lại thêm niềm tin vào công việc mình theo đuổi.

Với nhiều nỗ lực kết nối, quảng bá sản phẩm, cuối năm 2018, thương hiệu mắm Lê Gia xuất được container đầu tiên sang Hàn Quốc. Sau đó, lần lượt các container thứ 2, thứ 3 đã được xuất khẩu đến xứ sở kim chi.

Thế rồi, tuần tự, mắm Lê Gia đã đặt chân tới các thị trường khó tính như Nhật Bản, Nam Phi, Liên bang Nga…

Dẫu vậy, Lê Anh thừa nhận, Lê Gia mới qua giai đoạn đầu khởi nghiệp và may mắn còn trụ lại, nhưng anh vẫn tiếp tục bước đi trên con đường đã chọn, với động lực là tình yêu mãnh liệt với nghề truyền thống và sự tin tưởng của người tiêu dùng, khẳng định thương hiệu Lê Gia bằng những sản phẩm tinh túy.

Khánh Hà