NHNN vừa quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm 1,5 – 2%. Điều đó có nghĩa tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mức tối đa 16%.

tin-dung3

NHNN vừa quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm 1,5 – 2% lên tối đa 16%.

Thêm cơ hội tín dụng

Theo tính toán của SSI, với việc tăng thêm hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống, tổng dư nợ tín dụng có thể tăng thêm trong tháng 12 lên tới hơn 400 nghìn tỷ đồng, một lượng vốn không nhỏ nếu xét trong thời gian 1 tháng.

Điều này càng thêm ý nghĩa khi đi kèm với việc nới hạn mức tín dụng, Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…

Theo TS. Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đây là bước đi hợp lý trong bối cảnh áp lực lên tỷ giá đã dịu bớt, trong khi nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp giai đoạn cuối năm rất lớn.

Bản thân các ngân hàng cũng rất hoan hỉ bởi không ít ngân hàng đối mặt với nguy cơ mất khách hàng do đã cạn room tín dụng.

Để cơ hội trở thành hiện thực

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, việc ngân hàng nới “room” tín dụng chỉ là điều kiện cần, chứ chưa phải điều kiện đủ để các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Bởi lẽ, ngay cả khi NHNN có nới thêm “room” tín dụng thì các ngân hàng cũng không đủ vốn để cho vay thêm.

SSI Research cũng cho biết, áp lực cân đối vốn từ phía các TCTD rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn – tín dụng ở mức âm. Cũng do chênh lệch này nên việc nới trần tín dụng phù hợp hơn để gia hạn khoản vay cũ, thay vì dành cho các khoản vay mới.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, việc tăng thêm room tín dụng mới chỉ là tăng thêm cơ hội tiếp cận tín dụng, còn để cơ hội này trở thành hiện thực vẫn cần thêm sự hỗ trợ của NHNN để tăng thêm thanh khoản cho các nhà băng thông qua thị trường mở.

Ngoài ra, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính- ngân hàng, để tăng thêm thanh khoản cho nền kinh tế, Bộ Tài chính cũng cần khơi thông mạnh mẽ kênh dẫn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp, bởi đây là nguồn vốn trung – dài hạn quan trọng và cũng là để giúp doanh nghiệp thanh toán nợ đáo hạn.

Hà Anh