Techcombank đã kín room ngoại khi bán cổ phần cho Warburg Pincus trước thời điểm niêm yết trên sàn HOSE năm 2018.

Trong bối nhiều ngân hàng đã kịch trần room ngoại, câu chuyện nới room ngoại cho ngân hàng lại một lần nữa được dấy lên.

Mở hơn cho doanh nghiệp

Theo quy định hiện hành, đối với công ty đại chúng không thuộc trường hợp ngành nghề có tỷ lệ sở hữu nước ngoài thực hiện theo điều ước quốc tế hoặc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp điều lệ của công ty có quy định khác. Chính điều này đã dẫn tới tình trạng nhiều doanh nghiệp khống chế room ngoại ở mức thấp, làm giảm tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, rào cản này có thể được cởi bỏ khi Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán 2019 đã bỏ cụm từ “trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác”, có nghĩa không giới hạn room ngoại tại các công ty đại chúng không thuộc trường hợp có ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Ngân hàng vẫn… bị “đóng”

Theo Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật chứng khoán, trường hợp công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan có quy định về sở hữu nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại pháp luật đó. Trong khi theo Nghị định 01/2014/NĐ-CP, room ngoại không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.

Theo TS. Cấn Văn Lực, để tăng sức hút dòng vốn ngoại, room ngoại tại các ngân hàng trong nước, nhất là các ngân hàng có năng lực tốt, cần được nâng từ 30% như hiện tại lên 49%. Dù room có được nới lên 49% cho nhà đầu tư nước ngoài thì các ngân hàng vẫn chịu sự kiểm soát của Chính phủ, NHNN, nên nhà đầu tư ngoại khó có thể chi phối hoàn toàn.

Một lý do nữa để xem xét nới room ngoại cho các nhà băng là theo Hiệp định EVFTA, các ngân hàng Châu Âu được phép nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới room chung. “Để tạo sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng, việc nới room ngoại là cần thiết, nhất là khi Chính phủ đang mở đường cho các nhà đầu tư ngoại mua 100% vốn tại các ngân hàng yếu kém và ngân hàng nước ngoài cũng được thành lập ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam”, một chuyên gia ngân hàng khuyến nghị.

Hà Anh