Chuyển tới nội dung

Nói lý, hát lý – nghệ thuật ứng khẩu, truyền khẩu độc đáo của người Cơ tu

Năm 2015, nghệ thuật nói lý, hát lý của đồng bào Cơ-tu ở các huyện miền núi Quảng Nam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia.

IMG_20211026_110919

Đồng bào Cơ Tu huyện Đông Giang luôn bảo tồn những nét văn hóa truyền thống.

Đồng bào dân tộc Cơ Tu ở huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) sở hữu kho tàng di sản văn hóa bản địa phong phú như không gian văn hóa làng, các phong tục tập quán, múa tân tung za zá, kiến trúc gươl, dệt thổ cẩm, nghề đan lát… Ngày nay, những người cao tuổi có năng khiếu vẫn còn lưu giữ nghệ thuật nói lý, hát lý và phổ biến trong những lần tổ chức đám cưới, ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em hay hát khóc người chết… Năm 2015, nghệ thuật nói lý, hát lý của đồng bào Cơ-tu ở các huyện miền núi Quảng Nam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia.

Đặc biệt, tập quán nói lý, hát lý của dân tộc Cơ Tu đã có từ lâu đời, họ thường nói lý, hát lý với nhau như một cách chuyện trò thú vị để chuyển tải tâm tình, cách ứng xử trong đời sống, trong các buổi sinh hoạt cộng đồng.Cũng giống như nhiều nghệ thuật truyền thống khác, nói lý, hát lý ngày nay đang đứng trước nguy cơ mai một trong đời sống hiện đại. Tại huyện Đông Giang, địa phương đã có nhiều cách làm hay trong việc bảo tồn nghệ thuật nói lý, hát lý của dân tộc Cơ Tu.

Nói lý, hát lý được phổ biến rộng rãi trong sinh hoạt văn hoá của người Cơ-tu, được xem là nghệ thuật so tài cao thấp giữa những người cao tuổi trong và ngoài làng, giữa chủ nhà với khách… Có khi người Cơ-tu hát lý để trao đổi, bàn bạc, giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ, dòng tộc, bản làng… Nói lý, hát lý ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu kín để đối thủ phải vắt óc ra ứng đối từng câu, từng đoạn, từng nội dung. Đối tượng nghe hát lý thấy càng khó thì chứng tỏ tài nghệ vượt trội của người hát. Cái khó của hát lý là không theo một tiêu chuẩn, bài bản nào cả mà tuỳ theo ứng khẩu của người đưa ra, đó là một quá trình kinh nghiệm, đúc kết, am hiểu, kiến thức của người hát, cho nên chỉ có một số người hát được.

Hát lý bao giờ cũng sau nói lý nhằm nâng cao giá trị, bổ sung cho nói lý. Mở đầu buổi nói lý, hát lý, người đại diện, thường là các cụ già có uy tín, kinh nghiệm sẽ ứng khẩu với những lời lẽ rất khiêm tốn, rằng khách quý đến nhà chúng tôi chẳng có gì đón tiếp, chỉ có ly rượu nhạt này, mong rằng khách đừng chê tấm lòng của chúng tôi… Nghe xong, khách cũng đáp lời cảm ơn chủ nhà đã chuẩn bị đón tiếp chu đáo, nhiệt tình, mồi ngon, rượu quý, khách không biết lấy gì đền đáp tấm thịnh tình của chủ. Rượu rót mời nhau theo thứ bậc, vừa uống vừa nói chuyện về mùa màng, săn bắn, chuyện rừng chuyện rẫy….

Ông Nguyễn Văn Lê – Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đông Giang chia sẻ: Năm 2015, nghệ thuật nói lý, hát lý của đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Quảng Nam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia đã khẳng đinh giá trị văn hoá đặc sắc này. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật nói lý, hát lý càng được cho các cấp, ngành tại địa phương quan tâm và có nhiều cách làm thiết thực để bảo tồn vốn di sản văn hóa này.

Hiên nay, toàn huyện có 11 xã, thị trấn với 16 thành phần dân tộc anh em sinh sống, trong đó đông nhất là người Cơ Tu chiếm gần 77%. Để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn, huyện đang thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tộc người Cơ Tu, trong đó có nghệ thuật hát lý – nói lý. Hằng năm, huyện Đông Giang xây dựng kế hoạch triển khai phát triển kinh tế-xã hội gắn liền với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể.

Chị ALăng Thị Tươi (thôn Tàlâu, xã Ba) cho biết: Tôi tham gia lớp học này, các già làng đã truyền giảng cho tôi hiểu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu và biết cách sử dụng nghệ thuật nói lý, hát lý vào những dịp phù hợp. Nếu không đi học hoặc không nghe các già làng giảng dạy chỉ bảo thì chắc chắn tôi không thể nào biết được…

Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật nói lý, hát lý, huyện Đông Giang đang thực hiện đồng thời các giải pháp như vận động những người dân am hiểu về nghệ thuật nói lý, hát lý tiếp tục tham gia sinh hoạt và giảng dạy tại các Câu lạc bộ; nhân rộng mô hình nghệ thuật này vào các trường học trên địa bàn huyện, nhằm giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về nguồn gốc, ý nghĩa của loại hình nghệ thuật này để cùng nhau lưu giữ và phát huy tốt hơn. Đồng thời huyện đã vận động các thôn, xã đưa nghệ thuật nói lý, hát lý vào trong các buổi sinh hoạt thường kỳ tại địa phương với nội dung tập trung vào việc tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa gắn với nông thôn mới

Thông qua nhiều cách làm đa dạng tại huyện Đông Giang đã tuyên truyền sâu rộng đến người dân về bảo tồn, giữ gìn và phát huy hơn nữa các giá trị đặc sắc của nghệ thuật hát lý, nói lý đồng bào dân tộc Cơ Tu. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc lưu truyền và kế thừa để các thế hệ người dân tộc Cơ Tu biết sử dụng, phát huy giá trị của hát lý, nói lý trong đời sống, góp phần làm cho đời sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu ngày càng tốt đẹp hơn.

                                                                                               Ngô Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved