Sau bao ngày chờ đợi, chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo mới về nới lỏng giãn cách xã hội trong cuộc chiến chống COVID-19. Theo đó, Thủ tướng cơ bản đồng ý với các biện pháp nới lỏng cách ly xã hội một cách thận trọng do Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 đề xuất.

Theo đánh giá của Thủ tướng, Hà Nội là địa phương “có nguy cơ” nhưng một số địa phương của Hà Nội “nguy cơ cao” như huyện Mê Linh, Thường Tín và một số nơi có ca nhiễm chưa qua 14 ngày. Do vậy, lãnh đạo Chính phủ quyết định chưa áp dụng một số biện pháp đối với nhóm “nguy cơ cao” tại Hà Nội mà chỉ áp dụng với một số địa phương cụ thể ở Hà Nội.

Một góc khu vực Hoàn Kiếm, Hà Nội trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Ảnh: Quốc Tuấn

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 với những nơi có nguy cơ cao, còn những nơi khác trên địa bàn thì có thể nới lỏng giãn cách xã hội. Đối với Hà Giang, dù tỉnh này được xếp ở nhóm “có nguy cơ” nhưng theo Thủ tướng, huyện có bệnh nhân dương tính thì đó là nơi “nguy cơ cao”. Còn lại các địa phương khác, Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, theo dõi nghiêm ngặt nhưng tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh bình thường của người dân.

Còn nhớ, ngay từ khi dịch bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc, Việt Nam từng được cảnh báo là “ổ dịch tiềm năng tiếp theo sau Trung Quốc” – nơi bùng phát địch COVID-19 đầu tiên trên toàn thế giới – vì có hơn 1.400km đường biên giới với nước này. Thế nhưng, trong thời gian qua, cả đất nước Việt Nam đã kiên cường trong cuộc chiến với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và đã thu được những kết quả rất tích cực.

Tại thời điểm này, đại dịch COVID-19 đã đẩy thế giới vào khủng hoảng với số ca nhiễm SARS-CoV-2 lên tới hơn 2 triệu người, số người chết cũng đã vượt quá 180.000 người. Còn tại Việt Nam từ ngày 17/4 tới nay không ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 mới.

Đáng mừng hơn, trong tổng số 268 bệnh nhân mắc COVID-19, đã có 222 trường hợp khỏi bệnh, chiếm 83% tổng số bệnh nhân. Các bệnh nhân còn lại vẫn được tạo điều kiện tốt nhất để điều trị, đa số sức khoẻ ổn định. Ba bệnh nhân diễn biến nặng (số 20, 91, 161) đang được điều trị tích cực và đã có tiến triển trong những ngày gần đây.

Việt Nam đang kiểm soát được tình hình, chưa có ca tử vong nào. “Đây là thắng lợi để chúng ta chuyển sang giai đoạn phòng chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội”, Thủ tướng vui mừng cho biết trong cuộc họp chiều 22/4.

Đúng vậy, nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống COVID-19 của Chính phủ không chỉ được ghi nhận tại Việt Nam mà đã được các nước đánh giá cao qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Cụ thể, tờ NPR (Mỹ) đánh giá, nền tảng thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVD-19 là sớm thực hiện chính sách quyết liệt về giãn cách xã hội, dưới sự chỉ đạo mạnh mẽ và tính kỷ luật có hệ thống của Chính phủ, cũng như dựa trên kinh nghiệm chống lại các trận đại dịch trước đó.

Còn tờ The Strategist (Mỹ) nhận định rằng, Việt Nam có số ca mắc COVID-19 dưới 300 ca và không có bất kỳ ca tử vong nào – là kết quả của việc theo dõi cẩn thận và rộng rãi việc di chuyển của người dân, đo nhiệt độ thường xuyên tại các cửa khẩu sân bay và những nơi công cộng, quản lý tốt việc cách ly tập trung.

Theo tờ báo này, Việt Nam cũng đã thể hiện “đi đầu” trong lĩnh vực ứng nghiệm đổi mới bằng cách sáng chế và xuất khẩu những bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh, giá cả phải chăng, cho lắp đặt các buồng khử trùng toàn thân để ngăn ngừa lây nhiễm tại các phòng khám và những nơi khác mà mọi người dân tập trung, cũng như tổ chức cách ly tại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng nhằm tránh tiếp xúc với hàng xóm và thân nhân.

Trong khi đó, tờ Nikkei Asian Review lưu ý rằng những biện pháp của Việt Nam trong chống dịch COVID-19 là vì lợi ích của toàn cộng đồng. Tờ East Asia Forum nhận định rằng, sau tất cả những thử thách cam go này, tiếng nói của Việt Nam sẽ rất có trọng lượng và đầy thuyết phục, không chỉ trên diễn đàn khu vực mà cả trên trường quốc tế…

” Tính từ sáng ngày 16/4 đến nay đã 1 tuần liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Tính riêng từ ngày 14/4 đến nay là bước sang ngày thứ 10, cả nước chỉ ghi nhận 3 ca mắc. Số ca mắc hiện vẫn là 268.

Sau những gì đã trải qua, có thể khẳng định Việt Nam đã rất thành công trong các phòng chống dịch COVID-19. Và để có được thành công đó chính là nhờ những biện pháp đúng đắn, quyết liệt, thực hiện thống nhất từ trên xuống dưới, cả nước đồng lòng.

Trong suốt quãng thời gian qua, Việt Nam đã rất chủ động và quyết liệt khoanh vùng dập dịch, kiên quyết không để đỉnh dịch bùng phát khi đã có dấu hiệu lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo đó, ngay khi dịch COVID -19 bùng nổ ở Vũ Hán (Trung Quốc), Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng vào cuộc phòng, chống dịch, vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tất cả các cửa khẩu, các đường mòn lối mở tuyến biên giới phía Bắc.

Cùng với đó, Chính phủ đã yêu cầu kiểm soát chặt chẽ đường hàng không với những biện pháp kiểm soát y tế, quyết liệt truy vết người bị nhiễm SARS-CoV-2 từ F), F1, F2 và cả F3 để có những giải pháp điều trị, cách ly kịp thời.

Từ tháng 2/2020, hơn 10.000 dân tại xã Sơn Lôi ở tỉnh Vĩnh Phúc đã bị bị phong toả trong 21 ngày để tránh lây lan dịch bệnh. Tiếp đó là phong toả Bệnh viện Bạch Mai, quán bar Buddha, rồi phong toả thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh… Lệnh phong toả đã có tác dụng khi khoanh vùng tìm được bệnh nhân, truy tiếp F1, F2, F3… để có hướng xử lý kịp thời.

Không chỉ “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ Việt Nam còn coi cuộc chiến chống COVID-19 là “Cuộc tổng tấn công mùa xuân 2020” và theo một cuộc thăm dò hồi tháng 3 được Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra thì “đại đa số người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19.”

Đáng nói, trong số những biện pháp mạnh mà Việt Nam đã, đang tiến hành để dập dịch, không thể không nhắc tới Chỉ thị 16 của Chính phủ, kể từ 0 giờ ngày 1/4, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, nhà nào ở nhà đó.

Và trong suốt 22 ngày qua, người dân đã tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, hạn chế ở mức thấp nhất ra đường, không tụ tập trên 2 người. Các hàng quán kinh doanh đóng cửa trừ những cửa hàng kinh doanh những mặt hàng thiết yếu.

Đặc biệt, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn cao điểm chống COVID-19, Chính phủ đã quyết định chi 62.000 tỷ đồng để chung sức cùng người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Hôm nay (23/4), các tỉnh thành của Việt Nam (trừ 2 huyện của Hà Nội và Hà Giang) bắt đầu thực hiện lệnh “nới lỏng” cách ly xã hội.

Cùng với việc yêu cầu cả hệ thống phải tiếp tục chống dịch quyết liệt, không để dịch xâm nhập vào Việt Nam trở lại, Thủ tướng cũng lưu ý phải tạo năng lực để khôi phục sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, bảo đảm sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

“Chúng ta đang xác định phải sống chung với dịch khi chưa có vaccine và thuốc đặc trị có hiệu quả. Chúng ta cũng phải xác định trạng thái bình thường mới, nhưng một số yêu cầu vẫn bắt buộc như đeo khẩu trang trong hoạt động cộng đồng, đi học, đi chợ, tham gia giao thông công cộng. Thế giới đã công nhận đeo khẩu trang là hiệu quả, ta phải biết phát huy”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Gần đây, các báo cáo của các định chế tài chính uy tín của thế giới đều thống nhất ở một điểm: Việt Nam đã kiểm soát rất tốt dịch COVID-19 vì thế sẽ là cơ sở để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất. Trong số các quốc gia Đông Nam Á, dự báo năm 2020 Việt Nam vẫn sẽ là quốc gia có chỉ số phát triển GDP cao nhất.

Do đó, có thể khẳng định, việc khôi phục dần các hoạt động trên cơ sở nới lỏng giãn cách xã hội khi được áp dụng sẽ là lực đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển, an sinh xã hội. Đây cũng chính là thời điểm chúng ta vẫn tiếp tục chống dịch đồng thời bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế – xã hội.

Dù phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ cực kỳ khó khăn chưa từng có trong tiền lệ, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Đảng và Nhà nước, với quyết tâm của các bộ ngành, tập đoàn, doanh nghiệp, với niềm tin vững chắc của toàn dân, tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng cả trên hai mặt trận ấy.