ty-gia-USD

Tỷ giá USD/VND liên tục có xu hướng giảm kể từ đầu tháng 11 đến nay. 

Tỷ giá USD/VND liên tục có xu hướng giảm kể từ đầu tháng 11 đến nay. So với thời điểm cuối tháng 10, tỷ giá trung tâm đã giảm tới 59 đồng, từ mức 23.201 đồng/USD xuống còn 23.142 đồng/USD vào ngày 4/12 vừa qua, tương đương giảm gần 0,26%. Hiện tỷ giá trung tâm còn thấp hơn cả thời điểm cuối năm 2019.

Giá mua – bán USD tại các ngân hàng cũng giảm khá mạnh so với thời điểm cuối tháng 10/2020. Hiện giá mua vào USD của các ngân hàng phổ biến ở mức 23.040 đồng/USD, còn giá bán ra phổ biến ở mức 23.220 đồng/USD. Cả giá mua và giá bán USD của các ngân hàng đều thấp hơn so với thời điểm cuối tháng 10 khoảng 50 đồng. So với thời điểm cuối năm 2019, giá mua USD của các nhà băng cũng thấp hơn khoảng 70-80 đồng, còn trong khi giá bán ra USD gần như ngang bằng.

Tỷ giá liên ngân hàng và tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm từ 10- 42 đồng/USD, lần lượt giao dịch ở mức 23.148 đồng/USD và 23.240 đồng/USD.

Việc tỷ giá trong nước giảm liên tục trong thời gian gần đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, đồng USD trên thị trường thế giới cũng đang trong xu thế giảm. Hiện chỉ số USD Index – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – đã rơi xuống quanh 90,5 điểm, giảm tới 3,8% so với cách đây 1 tháng. Điều đó cũng có nghĩa mức giảm của tỷ giá trong nước mới chỉ bằng 1/10 so với sự mất giá của đồng USD quốc tế.

Thứ hai, tỷ giá trong nước giảm do hiện nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế đang rất dồi dào nhờ cán cân thương mại thặng dư kỷ lục, ước khoảng 20,1 tỷ USD sau 11 tháng. Bên cạnh đó, vốn FDI giải ngân trong thời gian này cũng đạt 17,2 tỷ USD. Ngoài ra, còn nguồn giải ngân vốn ODA, nguồn kiều hối…  Xuất siêu ở mức cao kỷ lục đã và đang là nguyên nhân chính hỗ trợ cho sự ổn định, thậm chí giúp VND lên giá nhẹ so với USD”, Công ty Chứng khoán BVSC đánh giá.

Cũng chính nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào mà thời gian gần đây NHNN tiếp tục mua thêm vào một lượng lớn ngoại tệ để bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia mà không làm ảnh hưởng tới tỷ giá. Dự trữ ngoại hối dồi dào là công cụ hữu hiệu để điều hành tỷ giá, kiểm soát lạm phát, duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Theo kế hoạch, dự trữ ngoại hối sẽ đạt 100 tỷ USD vào cuối năm nay.

Một động thái đáng chú ý nữa là NHNN đã giảm mạnh giá mua vào ngoại tệ tới 50 đồng về còn 23.125 đồng/USD kể từ ngày 23/11 vừa qua. Điều này giúp tiết giảm chi phí mua vào ngoại tệ trong giai đoạn khối lượng ngoại tệ bán về NHNN có xu hướng tăng nhanh. Bên cạnh đó, nó cũng phát đi tín hiệu là NHNN không bao giờ sử dụng tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh trong giao dịch thương mại quốc tế như phát biểu của Thống đốc NHNN tại Hội nghị Thống đốc ASEAN tháng 10 vừa qua, qua đó góp phần giảm bớt căng thẳng với Mỹ trong câu chuyện thao túng tiền tệ.

Về diễn biến tỷ giá thời gian tới, nhiều tổ chức dự báo, tỷ giá nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi theo xu hướng giảm trong thời gian còn lại của năm 2020 do nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cảnh báo, rủi ro lớn nhất có thể khiến VND tăng giá mạnh ở thời điểm hiện tại là bị Mỹ đánh giá là “thao túng tiền tệ” trong kỳ đánh giá tới đây.

VND

Tỷ giá nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi theo xu hướng giảm trong thời gian còn lại của năm 2020 do nguồn cung ngoại tệ dồi dào.

Tuy nhiên, việc VND tăng giá lại là thông tin không mấy vui với các doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi về lý thuyết, việc đồng nội tệ lên giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu do giá hàng xuất khẩu khi quy đổi sang USD sẽ trở nên đắt hơn, qua đó làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.